Trưng bày

Gốm Sa Huỳnh - Champa



GỐM SA HUỲNH

“Sa Huỳnh” là tên một địa phương ở tỉnh Quảng Ngãi, nơi các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật đặc biệt trong một cuộc khai quật năm 1909, và từ đó, “Sa Huỳnh” được dùng để gọi tên nền văn hóa chủ nhân các hiện vật đó.

Văn hóa Sa Huỳnh được xác định dựa trên hình thức mai táng bằng mộ chum, đồ trang sức thủy tinh và đồ dùng chất liệu gốm. Hiện vật Sa Huỳnh có niên đại trước thế kỷ II và các nhà nghiên cứu nhận thấy nhiều khả năng có sự tiếp nối với nền văn hóa Champa, phát triển ở miền Trung Việt Nam từ thế kỷ III về sau. Mối liên hệ giữa văn hóa Sa Huỳnh và Champa thường được nhận biết qua một số đặc trưng thể hiện ở sản phẩm gốm.


GỐM CHAMPA

Bên cạnh nghệ thuật điêu khắc đá, nghệ thuật chế tác gốm có một vị trí quan trọng trong văn hóa Champa. Gốm Champa kế thừa nhiều đặc tính của gốm Sa Huỳnh thể hiện ở chất liệu, màu sắc, độ nung. Gốm Chăm được sử dụng trong kiến trúc, không chỉ ở các bộ phận thông thường như ngói lợp, gạch nền mà còn ở nhiều chi tiết trang trí ở góc tháp, trên tường và đế tháp. Các vật dụng chất liệu gốm cũng xuất hiện nhiều trong sinh hoạt hàng ngày của cư dân Champa, đó là là các loại nồi nấu thức ăn, các loại vò đựng nước v.v…

Kết quả khai quật khảo cổ ở tỉnh Bình Định đã phát lộ dấu tích nhiều lò gốm có niên đại thế kỷ XIV, XV, thường được gọi là gốm Gò Sành. Với nhiều sản phẩm đa dạng, kỹ thuật và phong cách của gốm Gò Sành được xem như là cầu nối giữa gốm Champa và gốm Đại Việt, và tiếp tục được kế thừa bởi những người thợ thủ công ở miền Trung Việt Nam cho đến ngày nay.