Trưng bày

Phòng trưng bày Trà Kiệu



Di tích Trà Kiệu thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam; cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 50 km về phía nam.

Những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, các nhà sưu tầm đã tìm thấy ở khu vực này một số hiện vật điêu khắc đá thuộc văn hóa Champa, bao gồm các mảnh vỡ của đài thờ, một chiếc linga và những phù điêu trang trí. Trong hai năm 1927-1928, Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã tiến hành khai quật tại Trà Kiệu, phát hiện nhiều hiện vật điêu khắc cùng với nền móng các đền tháp và dấu vết các tường thành. Đối chiếu những phát hiện khảo cổ với ghi chép trong tài liệu địa chí xưa, một số nhà nghiên cứu  xác định Trà Kiệu từng là kinh đô của vương quốc Champa, tương ứng với tên gọi Simhapura được nhắc đến trong một vài văn bia Chăm.

Phần lớn hiện vật trong bộ sưu tập Trà Kiệu được xác định niên đại vào khoảng thế kỷ X - XI, nhưng cũng có hiện vật được số đông các nhà nghiên cứu xác định vào thế kỷ V - VI (Yaksa, BTC 136 – 20.2 ) hoặc cũng có hiện vật đang còn những ý kiến xác định niên đại khác xa nhau đến 3 – 4 thế kỷ (Đài thờ, BTC 95 - 22.5). Đặc điểm nghệ thuật của hiện vật Trà Kiệu có nét chung là tính mềm mại, sống động, và cũng hết sức đa dạng về trang phục, trang sức, động tác.