Khởi điểm đầu tiên phải kể đến là công lao của ông Charles Lemire, công sứ Pháp tỉnh Quảng Nam. Từ những năm 1891, 1892 ông đã cho sưu tập những hiện vật từ các làng Trà Kiệu, Khương Mỹ tỉnh Quảng Nam đưa về đặt tại công viên Tourane, là địa điểm sau này được chọn để xây dựng Bảo tàng. Tiếp đó là một quá trình suốt 17 năm trời kiên trì từ 1902 đến 1919 của những con người tâm huyết, đặc biệt là của những người làm việc cho Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (L' École Française d' Extrême - Orient, viết tắt là EFEO) mà tiêu biểu là ông Henri Parmentier, chủ sự Ban Khảo cổ của EFEO để xây dựng cho được một bảo tàng Champa ngay tại Đà Nẵng.
.jpg)
Các hiện vật tại Công viên Tourane trước khi xây dựng Bảo tàng (Ảnh sưu tầm)
.jpg)
Phòng trưng bày Bảo tàng đầu tiên (Ảnh sưu tầm)
Được khởi công xây dựng từ 1915 nhưng mãi đến 1919 Bảo tàng mới hoàn thành và mở cửa đón khách tham quan. Bảo tàng ban đầu với tên gọi là Musée Cham, Tourane (Bảo tàng Chàm, Đà Nẵng) là một ngôi nhà hình chữ nhật với diện tích 370m2 được trưng bày như một kho mở với khoảng 160 hiện vật.
Sau khi hoàn thành trưng bày tại tòa nhà bảo tàng, công việc khai quật khảo cổ và sưu tầm hiện vật được tiếp tục thực hiện. Đặc biệt có hai đợt khai quật lớn ở Trà Kiệu (Quảng Nam) năm 1927-1928 và Tháp Mẫm (Bình Định) năm 1934 đã giúp thu thập về cho bảo tàng nhiều tác phẩm. Để đủ chỗ cho việc trưng bày các hiện vật, Bảo tàng mở rộng thêm diện tích hai bên cánh gà (gần 400m2) vào năm 1935. Các đường nét trang trí kiến trúc được giữ nguyên như tòa nhà cũ. Công trình mở rộng được khởi công ngày 14 tháng 6 năm 1935 và khánh thành vào ngày 11 tháng 3 năm 1936. Với diện tích mở rộng lần này và đặc biệt với nhiều hiện vật mới được bổ sung, Bảo tàng trở thành một địa điểm trưng bày đầy đủ các bộ sưu tập tiêu biểu cho quá trình phát triển của nghệ thuật điêu khắc Chămpa trải dài hơn 8 thế kỷ, từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIV. Diện tích trưng bày của hai lần xây dựng là khoảng 800m2, trưng bày gần 300 hiện vật. Lễ khánh thành được tổ chức vào ngày 11 tháng 3 năm 1936 là một sự kiện quan trọng đối với hoạt động khảo cổ và bảo tồn di sản của ba nước Đông Dương lúc bấy giờ. Tham dự buổi lễ có cả vua Bảo Đại và Toàn quyền Đông Dương. Cũng tại buổi lễ này, Toàn quyền Đông Dương công bố quyết định đặt tên cho Bảo tàng là Bảo tàng Henri Parmentier (Musée Henri Parmentier).
Chiến tranh Đông Dương nổ ra, Bảo tàng không người quản lý, các hiện vật của Bảo tàng bị cướp bóc và đưa đi khắp nơi:tại nhà cư dân địa phương, phòng ăn tập thể của các quan chức kỹ nghệ,tại phi trường, có cái phiêu bạt tận sang Lào… EFEO lại phải cử người đi thu hồi lại từng hiện vật về lại cho Bảo tàng.[1]
Giai đoạn từ 1954 - 1975, Bảo tàng thuộc sự quản lý của Viện Khảo cổ Sài Gòn và năm 1963, Bảo tàng được đổi tên thành Bảo tàng Chàm Đà Nẵng (The Cham Museum, Danang). Năm 1969, chiến sự diễn ra ác liệt ở Miền Nam Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn các di tích nói chung và Bảo tàng Chăm nói riêng. Phillippe Stern, một nhà nghiên cứu người Pháp, đã gửi thư cho Tổng thống Hoa Kỳ bày tỏ sự quan ngại về khả năng hủy hoại đối với di tích và cổ vật do chiến tranh. Trước cảnh báo của học giả Phillippe Stern về nguy cơ bom đạn đối với bảo tàng, Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon đã gửi công lệnh đến chỉ huy quân sự Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam, nêu rõ: "Nhà Trắng (Văn phòng Tổng thống) mong muốn rằng, bằng tất cả các giải pháp có thể, cần đảm bảo cho di tích không bị tàn phá bởi hoạt động quân sự...".[2]
Khi chiến dịch giải phóng Đà Nẵng 1975 chuẩn bị diễn ra, ông Hồ Nghinh, Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà lúc bấy giờ đã nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ: "Khi tiếp quản Đà Nẵng phải có kế hoạch bảo vệ Bảo tàng Chăm...".[3]
Sau ngày thống nhất đất nước, các hiện vật điêu khắc Chăm tiếp tục được sưu tầm và gìn giữ, phát huy giá trị. Từ 1975 đến nay, công việc khai quật khảo cổ, sưu tầm hiện vật được triển khai, bổ sung thêm nhiều hiện vật cho bộ sưu tập của Bảo tàng. Đáng chú ý là các đợt khai quật, sưu tầm ở Đồng Dương, An Mỹ, Chiên Đàn, Quá Giáng, Phong Lệ, Cấm Mít, Khuê Trung… đã thu thập những tác phẩm điêu khắc có giá trị cao, gợi ra những giả thuyết mới mẻ trong nghiên cứu về niên đại, phong cách và sự giao lưu, tiếp xúc trong lịch sử nghệ thuật Champa.
Tòa nhà 02 tầng phía sau được xây dựng năm 2002 và được cải tạo lại năm 2016 tạo điều kiện cho Bảo tàng có thêm hơn 2.000 m2 để làm các phòng trưng bày, thư viện, kho, xưởng bảo quản. Các hiện vật có giá trị lâu nay để ngoài sân vườn đều được đưa vào trưng bày hoặc đưa vào kho bảo quản, xưởng phục chế nhằm bảo quản, gìn giữ được lâu dài đồng thời phát huy được giá trị hiện vật. Các hiện vật tại các phòng trưng bày của Bảo tàng định kỳ được tiến hành bảo quản thường xuyên, bảo quản phòng ngừa, và có biện pháp bảo quản trị liệu đối với các hiện vật có nguy cơ cao; nhiều hiện vật có giá trị đã được phục chế thành công phục vụ cho công tác trưng bày. Các phòng trưng bày cũng được cải tạo nâng cấp, bục bệ được thiết kế lại cho phù hợp, lắp đặt các pa nô trưng bày, trang bị hệ thống chiếu sáng hiện vật… nhằm phát huy tối đa giá trị các hiện vật phục vụ khách tham quan, nghiên cứu.
Cùng với việc giới thiệu hiện vật tại các phòng trưng bày thường xuyên của Bảo tàng, việc đưa hiện vật đi triển lãm, trưng bày ở các địa phương trong nước cũng như ở nước ngoài nhằm giới thiệu, quảng bá phát huy giá trị bộ sưu tập hiện vật cũng được Bảo tàng quan tâm. Tiêu biểu là hợp tác triển lãm tại Bảo tàng Dân tộc học Vienne (Áo) và Bảo tàng Lịch sử Hoàng gia Brussels (Bỉ) (06/2003 - 10/2004) với tên gọi "Việt Nam quá khứ và hiện tại"; tại Bảo tàng Guimet (Paris) "Kho tàng nghệ thuật Việt Nam - Điêu khắc Chămpa" (2005-2006); với Bảo tàng Houston - bang Texas và Bảo tàng Hội Châu Á - New York "Nghệ thuật cổ Việt Nam - Từ châu thổ ra biển lớn" (2009-2010); với Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York “Những Vương quốc đã mất” (2014). Ngoài ra, Bảo tàng cũng đã giới thiệu hình ảnh của các bộ sưu tập hiện vật Bảo tàng tại các ngày hội văn hóa, hội chợ du lịch tại Hà Nội (2004), Khánh Hòa (2011), An Giang (2016), Nhật Bản (2017) và Phú Yên (2019).
Chính nhờ thực hiện tốt công tác bảo tồn và trưng bày, triển lãm mà các bộ sưu tập hiện vật của Bảo tàng phát huy được giá trị của chúng, các bộ sưu tập hiện vật Bảo tàng đã thu hút công chúng, khách du lịch đến với Bảo tàng ngày một đông. Các con số thống kê cho biết từ khi mở rộng và chính thức khánh thành Bảo tàng lần thứ 2 vào năm 1936 đến hết năm 1937, Bảo tàng đã đón 4.519 du khách. Đến năm 1956 là 9.000 du khách. Từ năm 1995, số khách tham quan Bảo tàng là 45.000 lượt, đến năm 2005 là 100.000 lượt người. Từ năm 2005 đến năm 2015, trung bình hàng năm bảo tàng đón được 205.000 lượt khách. Năm 2017, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã đón 297.000 lượt khách tham quanvà năm 2018 là 300.358 lượt, trong đó 90% là khách quốc tế. Từ trước đến nay các vị nguyên thủ các nước, các đoàn khách ngoại giao khi đến thăm và làm việc tại thành phố Đà Nẵng đều ưu tiên chọn Bảo tàng Điêu khắc Chăm làm điểm tham quan văn hóa trong chuyến công du của mình. Tiêu biểu là các chuyến thăm của Quốc vương Thái Lan, Ngài Prajadhipok (1930), Tổng thống Singapore, Ngài S.P.Nathan (2009); Tổng thống Cộng hòa Ấn Độ, Ngài Ram Nath Kovind và Phu nhân (2018); Quốc vương Campuchia, Ngài Norodom Sihamoni (2018); các Đoàn khách ngoại giao tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng như Đệ nhất Phu nhân Tổng thống Peru,Phu nhân Thủ tướng Papua New Guinea, Phu nhân Thủ tướng Thái Lan... Điều này cho thấy sức hấp dẫn rất lớn của Bảo tàng Điêu khắc Chăm đối với khách ngoại giao và khách du lịch khi đến với thành phố Đà Nẵng. Năm 2009, Bảo tàng Điêu khắc Chăm được tổ chức Guiness Việt Nam công nhận kỷ lục là một trong mười bảo tàng Việt Nam thu hút đông khách tham quan nhất.
Tổng thống Pháp Jacques Chirac (Người đứng bên trái)
và phòng trưng bày hiện vật Bảo tàng Chăm tại Pháp 2005
Khi đến tham quan tại bảo tàng, ngài S.P.Nathan - Tổng thống Singapore cho rằng Bảo tàng là: "Một bộ sưu tập quý hiếm các tượng nghệ thuật Hindu cổ, được trưng bày hấp dẫn cho du khách đến tham quan và chiêm ngưỡng một nền văn minh trong quá khứ của Việt Nam".
Ông Herve Bolot, Đại sứ Cộng hoà Pháp tại Việt Nam: "Các bạn ở Việt Nam có những tài sản văn hoá vô cùng đặc sắc, không thể tìm thấy ở đâu trên thế giới, ví dụ như những hiện vật điêu khắc tại bảo tàng này. Chúng tôi muốn nâng cao ý thức của người dân về việc tôn trọng sâu sắc hơn những giá trị văn hoá mà lịch sử đã để lại".
Tổng thống Ấn Độ,ngài Ram Nath Kovind viết: "Tôi rất hân hạnh được đến thăm Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Nơi đây đang có một bộ sưu tập phong phú các cổ vật của nền văn minh Ấn-Chăm. Là một điển hình rõ nét về sự ảnh hưởng văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ...".
Hơn 100 năm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, Bảo tàng Chăm được xem là bảo tàng độc nhất vô nhị về nghệ thuật điêu khắc Chămpa, là vốn di sản quý của dân tộc nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng. Kế thừa những giá trị di sản đó, thế hệ tiếp nối hiện nay có trách nhiệm tiếp tục gìn giữ nguyên vẹn các bộ sưu tập hiện vật đồng thời phát huy các giá trị di sản quý báu đó thông qua sưu tầm, trưng bày giới thiệu, quảng bá rộng rãi ra cộng đồng trong nước và thế giới bằng nhiều hình thức, làm cho Bảo tàng không những là một nơi thu hút khách tham quan du lịch mà còn là một địa chỉ văn hóa hấp dẫn, một không gian sư phạm, không gian phổ biến kiến thức về những giá trị lịch sử, nghệ thuật cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Chú thích:
[1] Guillon, Emmanuel. Hindu-Buddhist Art of Vietnam, Treasures from Champa. Trumbull, CT: Weatherhill Inc, 1997. trang 10-13
[2] http://www.cadn.com.vn/news/71_135203_mot-the-ky-bao-tang-dieu-khac-cham-da-nang.aspx
[3] http://www.cadn.com.vn/news/71_135203_mot-the-ky-bao-tang-dieu-khac-cham-da-nang.aspx
Người viết: Trần Đình Hà