Nhân dịp 74 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 65/SL về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc (23/11/1945 – 23/11/2019) và chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ XIV (23/11/2005 - 23/11/2019), Bảo tàng Điêu khắc Chăm tổ chức Lễ kỷ niệm "100 năm ngày Bảo tàng khánh thành và mở cửa (1919 – 2019)" và Giới thiệu các hoạt động, trưng bày chuyên đề chào mừng và lâu dài cũng là để phục vụ khách tham quan, nghiên cứu. Đây là những hoạt động hết sức có ý nghĩa về vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
1. Trưng bày ảnh tư liệu: Bảo tàng Điêu khắc Chăm - 100 năm xây dựng và phát triển
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày Bảo tàng khánh thành và mở cửa trưng bày lần đầu tiên (1919 - 2019), Bảo tàng Điêu khắc Chăm trân trọng giới thiệu bộ ảnh tư liệu về những hoạt động tiêu biểu trong quá trình 100 năm xây dựng và phát triển của Bảo tàng. Nội dung trưng bày lần này được thể hiện theo từng chủ đề với trình tự thời gian: Hiện vật được người Pháp đem về để ở công viên Tourane (Đà Nẵng) trước khi xây dựng Bảo tàng vào năm 1915; Hình ảnh tòa nhà và phòng trưng bày Bảo tàng ban đầu, nhà kho bảo quản hiện vật, các vị khách đến tham quan, cách thức vận chuyển và bảo quản hiện vật khi đưa hiện vật về Bảo tàng giai đoạn 1916 - 1935; Quá trình cải tạo, mở rộng Bảo tàng qua các giai đoạn 1935 - 1936, 2002 - 2009, 2016 - 2017...
Ngoài ra trưng bày còn giới thiệu các hoạt động chuyên môn tiêu biểu của Bảo tàng như Sưu tầm, Bảo quản - Phục chế, Trưng bày, Giáo dục, Truyền thông, Quảng bá, Hợp tác quốc tế và đón tiếp các vị khách quốc tế tham dự APEC 2017, các vị nguyên thủ như Tổng thống Ấn Độ, Singapore, Quốc vương Campuchia và các nhà Lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta đến tham quan Bảo tàng.
Với hơn 250 hình ảnh được chọn trưng bày lần này là bằng chứng sinh động về quá trình 100 năm xây dựng và phát triển của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
2. Trưng bày Kho mở Bảo tàng Điêu khắc Chăm
Với mục đích tạo điều kiện cho khách tham quan có cơ hội tiếp cận nhiều hơn các hiện vật của Bảo tàng qua đó phát huy tác dụng giá trị hiện vật, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã thực hiện trưng bày Kho mở đưa vào hoạt động phục vụ cho việc nghiên cứu, tham quan, học tập của du khách. Với số lượng 47 hiện vật được trưng bày, Kho mở như là món quà tri ân của Bảo tàng dành cho khách tham quan khi đến tham quan Bảo tàng độc đáo này.
3. Trưng bày kết quả khai quật khảo cổ di tích Chămpa Phong Lệ 2011 - 2018
Khu di tích tháp Chăm Phong Lệ hiện thuộc tổ 4, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng, có tọa độ 16000'08" vĩ độ Bắc và 108011'55" kinh độ Đông. Đây là một trong những khu di tích tháp Chăm quan trọng, có giá trị lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Từ hơn 100 năm trước, người Pháp đã xây dựng đồn điền trong khu vực có di tích tháp Chăm Phong Lệ. Một số tác phẩm điêu khắc bằng đá đã được người Pháp thu gom và đưa về tập trung tại công viên Tourane (tên gọi Đà Nẵng trước đây). Sau đó, những tác phẩm này được đưa vào trưng bày trong Bảo tàng Henri Parmentier (nay là Bảo tàng Điêu khắc Chăm). Các tác phẩm sưu tầm gồm linga, các phù điêu trang trí góc tháp, tấm tympan thần Shiva múa, ba phù điêu thần Visnu,... là những tác phẩm điêu khắc đẹp hiếm có trong nền nghệ thuật Chămpa.
Sau một thời gian dài vì chiến tranh, nơi đây bị bỏ hoang phế. Sau năm 1975, Hợp tác xã Nông nghiệp của địa phương đã san ủi một phần khu di tích để làm trại chăn nuôi và một số hộ dân cũng dần dần về đây tụ cư.
Vào tháng 4/2011, người dân địa phương khi đào móng làm nhà đã phát lộ một tượng sa thạch hình sư tử. Để bảo vệ khẩn cấp di tích, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã phối hợp với Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội tiến hành khai quật với diện tích 206m2; sau đó vào năm 2012, tiếp tục khai quật với diện tích 275,5m2; và lần thứ ba là năm 2018 với tổng diện tích 308m2. Trải qua 03 cuộc khai quật đã thu được những kết quả quan trọng về khu di tích Phong Lệ như sau:
- Về mặt bằng kiến trúc, kết quả cho thấy khu di tích đền tháp Phong Lệ là một tổ hợp kiến trúc gồm đền tháp chính và tháp cổng với tường bao quanh, phân bố trên một gò đất cao nằm gần một dòng chảy cổ thuộc dòng sông Cẩm Lệ. Đền tháp chính với kết cấu kiến trúc bên trong ở giữa lòng tháp được xây âm xuống dưới mặt đất tạo thành một "hố thiêng" có kết cấu xây dựng và cách sắp xếp hiện vật hiếm thấy trong các cuộc khai quật đền tháp Chămpa ở miền Trung Việt Nam. Ngoài ra, ở đây có thể tồn tại một số công trình phụ trợ như nhà dài (Mandapa) và các đền tháp phụ ở trong tường bao gần đền tháp chính. Có thể nói, đây là một công trình có quy mô lớn trong hệ thống đền tháp Chămpa hiện biết ở Miền Trung Việt Nam.
- Về hiện vật, qua 03 cuộc khai quật phát hiện được gần 400 hiện vật với nhiều chất liệu như đồ đá, gốm sứ, thạch anh, vàng... Các hiện vật tìm thấy bao gồm tượng động vật như sư tử, voi; trang trí diềm mái như tượng người cầu nguyện, rắn thần, tai lửa, đầu tượng, chim thần, chóp đền tháp, ngoài ra còn có rất nhiều ngói lá, gạch có điêu khắc...
Khu di tích tháp Chăm Phong Lệ được các nhà khai quật xác định niên đại xây dựng vào khoảng thế kỉ X và được người Chămpa duy trì thờ tự cho đến ít nhất vào thế kỉ XII.
4. Đưa hệ thống thuyết minh tự động (audio guide) bằng công nghệ mã quét QR vào phục vụ du khách
Cuối năm 2014, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đưa vào sử dụng chính thức hệ thống thuyết minh tự động (audio guide) bằng tai nghe. Du khách có thể đăng ký thuê bộ thiết bị gồm máy phát và tai nghe để tự mình tìm hiểu các hiện vật của Bảo tàng mà không cần phải có người thuyết minh. Đây là hình thức thuyết minh không mới trên thế giới nhưng lại khá mới mẻ tại Việt Nam vào thời điểm đó. Với một Bảo tàng mang tính đặc thù như Bảo tàng Điêu khắc Chăm, các thiết bị này giúp cho khách tham quan có thể tự tìm hiểu các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc được trưng bày tại Bảo tàng tùy thích theo nhu cầu, sở thích riêng của từng người mà không bị chi phối, tác động bởi lộ trình tham quan, thời gian nghiên cứu, tìm hiểu hiện vật …
Đến năm 2016, Bảo tàng được cải tạo, nâng cấp thay đổi lại hoàn toàn từ lộ trình tham quan cho đến các phòng trưng bày, bục bệ, hiện vật…Ngoài ra thiết bị trở nên lỗi thời, lạc hậu không còn phù hợp với công nghệ hiện nay, do đó cần có sự thay đổi về nội dung thuyết minh và thiết bị nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng thuận tiện của du khách.
Sau khi khảo sát, tìm hiểu nhiều nơi, Bảo tàng đã chọn loại hình thuyết minh tự động thực hiện bằng công nghệ mã quét (QR code) cho du khách sử dụng trên smartphone, đưa vào nội dung thuyết minh mới bằng 03 ngôn ngữ Việt - Anh - Pháp.
Với một chiếc điện thoại di động smartphone cầm tay, du khách dễ dàng truy cập để nghe hoặc đọc nội dung thuyết minh của từng hiện vật. Công nghệ mã quét QR góp phần hỗ trợ cho công tác thuyết minh nhằm từng bước nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng hoá các hình thức truyền tải nội dung trưng bày đến du khách một cách thuận lợi nhất. Hi vọng sản phẩm dịch vụ audio guide mới của Bảo tàng sẽ đem đến sự hài lòng cho du khách trong và ngoài nước.
BAN TỔ CHỨC