Lễ kỷ niệm 100 năm Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng khánh thành và mở cửa (1919 – 2019)

Ngày đăng: 23/11/2019
Nằm trong các hoạt động chào mừng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11, chiều 22/11, Bảo tàng Điêu khắc Chăm long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày Bảo tàng khánh thành và mở cửa (1919-2019). Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu chặng đường 100 năm xây dựng và phát triển của Bảo tàng. Hoạt động có sự tham dự của đồng chí Trần Văn Miên - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và đồng chí Phạm Định Phong - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng chí Huỳnh Văn Hùng – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng.



Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Hồ Tấn Tuấn – Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã điểm lại những dấu son quan trọng trong lịch sử 100 năm xây dựng và phát triển của Bảo tàng từ những năm đầu thế kỷ trước cho đến nay. Hình ảnh một bảo tàng hiện đại, không gian trưng bày đặc sắc, ấn tượng cùng đội ngũ nhân viên tâm huyết, vững chuyên môn hiện tại là kết quả của một quá trình đóng góp công sức và trí tuệ của nhiều thế hệ lãnh đạo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, cùng cán bộ, viên chức, người lao động tại Bảo tàng. Thay mặt lãnh đạo và tập thể đơn vị, ông nêu cao tinh thần trách nhiệm và khẳng định quyết tâm về việc gìn giữ nguyên vẹn các bộ sưu tập, đồng thời phát huy hơn nữa các giá trị di sản quý báu đó thông qua các hoạt động chuyên môn như sưu tầm, trưng bày giới thiệu, quảng bá rộng rãi đến cộng đồng trong và ngoài nước. Tất cả cùng nỗ lực hơn nữa để Bảo tàng Điêu khắc Chăm không những là một nơi thu hút khách tham quan du lịch mà còn là một địa chỉ văn hóa hấp dẫn, là không gian phổ biến kiến thức về những giá trị lịch sử, nghệ thuật cho các thế hệ hôm nay và mai sau.


Tham dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm, Nghệ sĩ Nhân dân Huỳnh Văn Hùng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao TP Đà Nẵng đánh giá cao và nhấn mạnh giá trị của Bảo tàng Điêu khắc Chăm như một “viên ngọc quý” trong hệ thống bảo tàng cả nước. Để phát huy tốt hơn giá trị của bảo tàng và các bộ sưu tập hiện có tại đây, trong thời gian đến cần nghiên cứu, đề nghị mở rộng không gian trưng bày hiện vật; tiếp tuc làm hồ sơ trình Thủ tướng công nhận những bảo vật quốc gia tiêu biểu. Riêng đối với tòa nhà Bảo tàng Điêu khắc Chăm có giá trị như một di tích, cần xem xét, nghiên cứu làm hồ sơ để được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật. Ngoài ra, công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ công tác chuyên môn, cũng như ứng dụng công nghệ thông tin vào trong trưng bày, quản lý hiện vật cần được chú trọng và thực hiện thường xuyên.

Cũng trong dịp này, Bảo tàng Điêu khắc Chăm chính thức giới thiệu các hoạt động, trưng bày chuyên đề: Trưng bày ảnh tư liệu: Bảo tàng Điêu khắc Chăm - 100 năm xây dựng và phát triển; Trưng bày Kho mở; Trưng bày kết quả khai quật khảo cổ di tích Chămpa Phong Lệ 2011 - 2018. Đặc biệt, bảo tàng đưa vào sử dụng hệ thống thuyết minh tự động (audio guide) bằng công nghệ mã quét QR vào phục vụ du khách, với ba ngôn ngữ Việt - Anh – Pháp.

Thông tin chi tiết các trưng bày và dịch vụ có thể xem tại đường dẫn: Thông cáo báo chí