Sưu tập nghệ thuật điêu khắc Champa: Vai trò của Charles Lemire và Henri Parmentier trong việc thành lập Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng (Phần 1)

Ngày đăng: 02/12/2019
Bài viết giới thiệu một số luận điểm của nhà nghiên cứu nghệ thuật Julian Brown về công việc sưu tập hiện vật điêu khắc Champa của Charles Lemire và Henri Parmentier. Lemire được xem là người đặt nền móng đầu tiên cho sự ra đời của Bảo tàng Chàm tại Tourane (tiền thân của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng) và Parmentier là người đã hiện thực hoá ý tưởng ban đầu của Lemire, đóng vai trò then chốt trong công việc sưu tập hiện vật, xây dựng và trưng bày bảo tàng buổi ban đầu. Thông qua bài viết này, tác giả muốn nêu ra những động cơ và mục đích phía sau công việc của mỗi nhà sưu tập trong bối cảnh Việt Nam nằm dưới sự đô hộ của người Pháp vào những năm cuối thế kỉ 19 – đầu thế kỉ 20.

Dẫn nhập

Trong tiến trình phát triển của lịch sử, các dân tộc thuộc các tiểu vương quốc Champa1 cổ ở miền Trung Việt Nam đã để lại một di sản nghệ thuật vô cùng quí báu. Ngày nay, cụm từ “nghệ thuật Chăm” hoặc “nghệ thuật Champa” dùng để chỉ các tác phẩm điêu khắc Ấn giáo – Phật giáo cùng hệ thống đền tháp được xây dựng bởi người Chăm và các dân tộc khác trên mảnh đất miền Trung từ thế kỉ 52 đến thế kỉ 173 sau công nguyên. Rất nhiều đền tháp Champa đã bị huỷ hoại theo thời gian. Một số đền tháp khác may mắn tồn tại đến ngày nay như một minh chứng cho một quá khứ vàng son của các vương quốc Champa xưa. Tác phẩm điêu khắc Champa bao gồm chủ yếu là tượng nam thần và nữ thần, đài thờ, ngẫu tượng linga – yoni, vật linh, bia ký và các bộ phận cấu thành kiến trúc.

Năm 1858 đánh dấu việc người Pháp chiếm đóng và Việt Nam trở thành thuộc địa của họ.4 Các quan chức và nhà khảo cổ học người Pháp đã đến Việt Nam và bắt đầu quá trình khám phá các di tích đền tháp Champa tại miền Trung Việt Nam, thu thập hàng trăm tác phẩm điêu khắc thông qua các cuộc khai quật khảo cổ học hoặc là hiện vật ngẫu nhiên tìm thấy. Các bộ sưu tập điêu khắc Champa này hiện nay được trưng bày tại nhiều bảo tàng trong và ngoài nước, trong đó đáng chú ý nhất là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Bảo tàng Bình Định, Bảo tàng Nghệ thuật châu Á tại Paris (Pháp), Bảo tàng Rietberg (Thụy Sỹ), Bảo tàng Nghệ thuật Cleveland (Hoa Kỳ), Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York (Hoa Kỳ). Tuy nhiên, bộ sưu tập lớn nhất hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Năm 2019, Bảo tàng Điêu khắc Chăm kỉ niệm 100 năm ngày mở cửa đón khách tham quan. Việc xây dựng bảo tàng bắt đầu từ năm 1915 sau những nỗ lực không mệt mỏi để sưu tập và gìn giữ các tác phẩm nghệ thuật Champa của Henri Parmentier và các học giả làm việc cho Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (École Française d'Extrême-Orient, viết tắt là EFEO).

Bài viết này nhằm phân tích công việc sưu tập nghệ thuật Champa do hai người Pháp tiến hành vào cuối thế kỉ 19 cho đến năm 1936, bao gồm Charles Lemire và Henri Parmentier.

Charles Lemire (1839 - 1912) là một công sứ Pháp làm việc cho chính quyền thực dân Pháp,5 và Henri Parmentier (1871 – 1949) là kiến trúc sư và nhà khảo cổ làm việc cho EFEO. Cả hai ông được xem như những người tiên phong, đóng vai trò then chốt trong việc sưu tập và trưng bày nghệ thuật Champa dưới chính quyền Pháp tại Đông Dương. Công việc của họ là nhân tố thúc đẩy sự thành lập của bảo tàng và mở đường cho việc nghiên cứu nghệ thuật Champa. Qua bài viết này, tác giả muốn lập luận rằng các quan chức thực dân và nhà khảo cổ đã sưu tập nghệ thuật Champa theo nhiều mục đích khác nhau: muốn sở hữu tư nhân, bảo tồn văn hoá, trưng bày cho công chúng và trao đổi buôn bán thương mại, như Brown đã đề cập trong nghiên cứu của mình. Bài viết cũng chỉ ra rằng việc sưu tập nghệ thuật châu Á thể hiện quyền lực thực dân của các quốc gia, đặc biệt là Pháp và các nước châu Âu.

Charles Lemire: Câu chuyện của một nhà sưu tập đa mục đích

Hình 1, 2: Charles Lemire (1839 – 1912). Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp (BnF)

Charles Lemire sinh ngày 8 tháng 6 năm 1839 tại Abbeville, miền Tây Bắc nước Pháp, và ông bắt đầu làm việc cho ngành điện tín kể từ năm 1861 (Hình 1, 2).6 Từ năm 1862 đến 1868, ông được bổ nhiệm làm việc tại Việt Nam cho chính quyền thực dân, đặt trụ sở tại Sài Gòn và Mỹ Tho. Trong thời gian sống tại đây, ông đã học tiếng Việt và tiếng Khmer, cũng như bắt đầu sưu tập các tác phẩm nghệ thuật châu Á với dự định sẽ xây dựng một bảo tàng tư nhân tại thị trấn quê nhà.7 Sau sáu năm làm việc tại miền Nam Việt Nam, ông quay về Pháp. Từ năm 1874 đến 1881, ông đảm nhận công việc mới, làm trưởng công ty điện tín cho chính quyền thực dân Pháp ở New Caledonia. Sau khi hoàn thành công việc tại đây, Lemire trở lại Việt Nam và được bổ nhiệm làm công sứ Pháp tại Qui Nhơn, sau đó là Đồng Hới và các tỉnh khác ở miền Trung Việt Nam. Kể từ đợt bổ nhiệm làm việc đầu tiên tại Nam Kỳ, Lemire đã bày tỏ mối quan tâm hàng đầu của mình về thực trạng xuống cấp của các đền tháp và điêu khắc Champa. Tại thời điểm này, tất cả hầu như bị bỏ mặc và rơi vào tình trạng hoang phế do sự dửng dưng của con người và hậu quả của các cuộc xung đột quân sự diễn ra hàng thế kỉ trước đó.

Sau nhiều năm sống tại Đông Dương và sưu tập nghệ thuật như là một thú vui, Lemire lần đầu tiên xuất bản một danh mục cho các tác phẩm mà ông đã thu thập, với tựa đề “Bộ Sưu tập Đông Dương của Charles Lemire”. Theo Brown, danh mục này được công bố giữa năm 1887 và 1889, giới thiệu 592 hiện vật Lemire đã tích góp được, trong đó có nhiều hiện vật Champa mà ông đã sưu tập khi làm công sứ ở miền Trung Việt Nam nơi các di tích Champa nằm rải rác và bị bỏ mặc trong nhiều thế kỉ sau sự sụp đổ của Vijaya năm 1471.8 Bên cạnh cuốn danh mục, Lemire đã tổ chức một triển lãm để trưng bày bộ sưu tập của mình tại Abbeville năm 1890. Cho đến thời điểm này, có thể cho rằng Lemire là một người sưu tập cổ vật, người gìn giữ văn hoá và là người trưng bày triển lãm.

Năm 1891, Lemire một lần nữa quay trở lại Việt Nam với vai trò công sứ Pháp tại Tourane (Đà Nẵng) và Faifo (Hội An). Ông ở đây cho đến năm 1893 và theo đuổi sở thích sưu tập của mình. Năm 1892, Lemire đã vận chuyển 50 tượng điêu khắc Champa về công viên Tourane – vị trí toạ lạc ngày nay của Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Sau đó, số lượng các tác phẩm điêu khắc tăng lên đến 90, và được xem như bộ sưu tập đầu tiên của một bảo tàng sẽ được xây dựng trong tương lai. Không chỉ sưu tập các tác phẩm điêu khắc, năm 1893, Lemire lập bảng kiến nghị trình lên các quan chức thuộc địa bày tỏ nguyện vọng muốn xây dựng một bảo tàng địa phương để có thể gìn giữ các tác phẩm nghệ thuật tốt hơn.9 Tuy nhiên mãi đến năm 1915, ba năm sau khi ông qua đời toà nhà đầu tiên của bảo tàng mới được khởi công xây dựng.

Henri Parmentier: Từ công viên Tourane đến Bảo tàng Henri Parmentier

Hình 3: Henri Parmentier tại Campuchia. Nguồn: Lưu trữ EFEO

Henri Parmentier là một kiến trúc sư chuyên nghiệp và đồng thời là nhà khảo cổ tham gia vào việc sưu tập nghệ thuật Champa trong thời gian ông làm việc cho EFEO. Ông sinh năm 1871 trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật (Hình 3). Parmentier tốt nghiệp chuyên ngành vẽ kiến trúc tại trường Mỹ thuật Paris và bắt đầu làm việc cho EFEO tại Việt Nam ngay sau khi viện này được thành lập vào năm 1900, với nhiệm vụ khảo sát các di tích khảo cổ Champa. Năm 1904, ông được bổ nhiệm làm Trưởng bộ phận khảo cổ của EFEO.10 Trong những năm làm việc cho EFEO, Parmentier tiến hành khảo sát và phát lộ nhiều di tích Champa ở miền Trung Việt Nam; và qua công việc khảo cổ của mình, ông đã lập nên bảng niên đại đầu tiên cho hệ thống kiến trúc và điêu khắc Champa.11 Việc xác định niên đại này là một nhân tố quan trọng trong công việc mô tả và trưng bày di sản văn hoá này, tuy nhiên đây vẫn là một vấn đề hết sức phức tạp đối với các học giả nghiên cứu về Champa ngày nay. Parmentier là người đầu tiên đề cập đến vấn đề này và công trình của ông tạo nền tảng cơ bản cho việc nghiên cứu tiến trình phát triển và phân loại kiến trúc và điêu khắc Champa trong nhiều thập niên về sau. Bên cạnh đó, Parmentier cũng là nhà nghiên cứu với rất nhiều bài viết được xuất bản trên tập san của EFEO, được biết đến dưới tên gọi Bulletinde l'École Française d'Extrême-Orient (viết tắt BEFEO). Ông đã thực hiện rất nhiều bản vẽ về các đền tháp và tác phẩm điêu khắc Champa trong quá trình điều tra và khai quật các di tích Champa.

Giống như Auguste Barth (1834 –– 1916), một thành viên của Viện Hàn lâm Bia ký và Mỹ văn (Académie des Inscriptions et belles-lettres) và là một trong những người sáng lập của EFEO, Parmentier ôm ấp ý tưởng xây dựng một bảo tàng địa phương nơi những tác phẩm nghệ thuật Champa sau khi được thu thập về sẽ được trưng bày và bảo quản tốt hơn, thay vì gửi tất cả về Bảo tàng Guimet hay những nơi khác ở Pháp. Năm 1902, ông bắt đầu vẽ phác thảo về “một dự án kho lưu trữ” (projet de depot) để bảo quản bộ sưu tập các hiện vật mà Charles Lemire đã mang về khu vườn Tourane kể từ năm 1892, nhưng vẫn nằm dầm mưa dãi nắng tại đây.12 Những bản vẽ này phác hoạ một ngôi nhà theo phong cách Việt, bằng gỗ với mái lợp và các hàng cột chống, các bên để mở (Hình 4). Cũng tại thời điểm này, EFEO đang xem xét việc thành lập một bảo tàng trung tâm tại Sài Gòn để trưng bày các hiện vật thu thập từ Đông Dương, hoặc sẽ xây dựng một chuỗi các bảo tàng địa phương ở nhiều nơi khác nhau. Tuy nhiên, đề án xây dựng bảo tàng tại Tourane của EFEO đã bị chính quyền Trung Kỳ phản đối do những khó khăn về tài chính.

Hình 4: Bản vẽ đầu tiên của Parmentier về Bảo tàng tại Tourane. Nguồn: Lưu trữ EFEO

Tiếp tục đeo đuổi kế hoạch xây dựng bảo tàng tại Tourane, năm 1908, Parmentier lập bản báo cáo về việc thành lập một bảo tàng Chàm. Trong văn bản này ông đã thuyết phục các nhà cầm quyền về tính khả thi của việc xây dựng một kho lưu trữ có thể sử dụng như là một bảo tàng với giá thành xây dựng thấp.13 Ông cũng báo cáo về tình trạng nguy kịch của các hiện vật điêu khắc, bao gồm những hiện vật đã được tháo gỡ di dời khỏi đền tháp và những hiện vật được lưu giữ ở Sài Gòn, Tourane, các toà nhà dinh sứ cũng như ở các ngôi làng rải rác. Bên cạnh đó, Parmentier thiết lập các nguyên tắc áp dụng cho chính sách sưu tập hiện vật của bảo tàng Chàm trong tương lai. Có ba nguyên tắc cơ bản, nhấn mạnh việc bảo quản, trưng bày và tôn trọng bối cảnh hiện vật, bao gồm:14

1.         Bất cứ hiện vật nào được tìm thấy ở ngoài nơi xuất xứ ban đầu của hiện vật phải được đưa về bảo tàng. Tương tự như vậy đối với các tác phẩm riêng lẻ khi ngôi đền tháp ban đầu nơi hiện vật thuộc về đã biến mất, miễn là những hiện vật này có tầm quan trọng về mặt khảo cổ, và không được thờ cúng tại thời điểm đó. Điều này cũng áp dụng cho các văn bia, trừ khi các văn bia hiện tại vẫn đang là một bộ phận cấu thành của ngôi đền.

2.         Đối với các hiện vật tìm được qua các cuộc khai quật, nhưng thuộc về một công trình đền tháp có thể nhận dạng được, và việc nghiên cứu những hiện vật này có thể giúp hiểu thêm về công trình đó, thì cần để những hiện vật này ở lại, trừ khi chúng ở trong tình trạng hư hại không thể bảo quản tại chỗ.

3.         Cần tôn trọng việc thờ cúng của một số hiện vật, bởi vì các nông dân tin rằng những hiện vật này có thể đóng vai trò trung gian trong các nghi lễ vào thời kì hạn hán.

Trên cơ sở những nguyên tắc này, Parmentier đã lập một danh mục gồm 300 tác phẩm điêu khắc và 70 văn bia có thể vận chuyển về bảo tàng Chàm trong tương lai ở Tourane. Tuy nhiên phải mất một vài năm nữa để dự án bảo tàng trở thành hiện thực. Năm 1913, ông Charles Gravelle – Giám đốc Ngân hàng Đông Dương, ghé thăm vườn tượng Tourane. Sau chuyến đi này, ông đã viết thư cho Giám đốc EFEO, Claude Eugene Maitre, để bày tỏ mối quan tâm về thực trạng của các tác phẩm điêu khắc trong khu vườn này cũng như nhu cầu cấp thiết phải xây dựng một bảo tàng. Năm 1914, Toàn quyền Đông Dương chấp nhận cấp kinh phí cho dự án bảo tàng, và Parmentier được bổ nhiệm làm giám đốc dự án. Việc xây dựng chính thức bắt đầu vào năm 1915 và hoàn thành năm 1916. Công việc di chuyển hiện vật, trưng bày diễn ra trong ba năm sau đó, và hoàn tất vào tháng 4 năm 1919. Sau thời gian này bảo tàng bắt đầu mở cửa đón du khách, được biết đến với tên gọi Bảo tàng Chàm tại Tourane (Musée Cam de Tourane).15 Toà nhà được thiết kế bởi hai kiến trúc sư người Pháp là Delaval và Auclair, với những ý kiến đóng góp của Parmentier (Hình 5, 6, 7). Theo danh mục xuất bản năm 1919 của Parmentier, bảo tàng trưng bày 160 hiện vật được thu thập từ nhiều tỉnh miền Trung của Việt Nam.

Hình 5: Bản vẽ mặt trước Bảo tàng Chàm tại Tourane của Delaval, năm 1911. Nguồn: Lưu trữ EFEO

Hình 6: Bản vẽ mặt trước Bảo tàng Chàm tại Tourane của Auclair, năm 1915. Nguồn: Lưu trữ EFEO

Hình 7: Bảo tàng Chàm tại Tourane năm 1919. Nguồn: Lưu trữ EFEO

Trong những năm sau đó, EFEO tiếp tục khai quật và nhập về bảo tàng một số lượng lớn hiện vật. Vì vậy, toà nhà hình chữ nhật ban đầu được mở rộng bằng cách xây thêm hai gian phòng ở hai bên, tạo thêm không gian cho công tác trưng bày, lưu trữ và thư viện. Ngày 11 tháng 3 năm 1936, bảo tàng được chính thức khánh thành với sự tham dự của vua Bảo Đại, các quan chức thuộc địa, các học giả EFEO (Hình 8 & 9). Từ năm này, bảo tàng được đổi tên thành Bảo tàng Henri Parmentier (Musée Henri Parmentier) để ghi nhận những nỗ lực của Parmentier trong việc kiến lập một bảo tàng nghệ thuật – khảo cổ Champa, đánh dấu một chặng đường 43 năm kể từ bản kiến nghị đầu tiên của Charles Lemire vào năm 1893 (Hình  10 & 11).16 Parmentier đã chỉ đạo công tác trưng bày dựa theo xuất xứ của hiện vật. Trên diện tích 1000 m2 không gian trưng bày được chia thành các phòng Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương, Tháp Mẫm và các hành lang Quảng Trị, Quảng Ngãi, Kon Tum và Bình Định.17

Hình 8, 9: Mặt trước và sau thiệp mời dự lễ khánh thành bảo tàng ngày 11/3/1936. Nguồn: Lưu trữ EFEO

Hình 10: Bảo tàng Henri Parmentier năm 1936. Nguồn: Lưu trữ EFEO

Hình 11: Cột chỉ đường đến Bảo tàng Henri Parmentier. Nguồn: Lưu trữ EFEO

Người viết: Nguyễn Hoàng Hương Duyên

CHÚ THÍCH
(*)
Tác giả muốn gửi lời cảm ơn đến nhà nghiên cứu Julian Brown và luận án tiến sỹ của ông, với đề tài về nghệ thuật Champa và các vấn đề bảo tàng học liên quan. Trong luận văn này, Brown đã nghiên cứu về những đóng góp của Charles Lemire và Henri Parmentier đối với nghệ thuật Champa. Bài viết này cũng nhằm mục đích chuyển tải những thông tin, luận điểm từ luận văn này đến bạn đọc Việt Nam.

Trong bài viết này, tác giả dùng từ Champa cho những hiện vật điêu khắc và công trình tôn giáo kiến trúc của Champa. Champa là từ được chuyển tự từ chữ “Campā” trong tiếng Phạn, xuất hiện ở các văn bia để gọi các tiểu quốc (chính thể) ở khu vực miền Trung Việt Nam. Các công trình nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng Champa là tên gọi chung (generic term) để chỉ các chính thể nằm ở ven biển và Tây Nguyên miền Trung Việt Nam cho đến đầu thế kỉ 19. Về vấn đề này, có thể tham khảo các nguồn tài liệu sau: Bruce M. Lockhart, “Colonial and Post-Colonial Constructions of Champa” trong The Cham of Vietnam, ed. Bruce M. Lockhart and Trần Kỳ Phương (Singapore: NUS Press, 2010); William Southworth, “The Origins of Campa in Central Vietnam - a Preliminary Review,” (SOAS, University of London, 2001), 21 - 25; Keith Taylor, “The Early Kingdoms,” và Kenneth R. Hall, “Economic History of Early Southeast Asia,” trong The Cambridge History of Southeast Asia - Volume One, Part One – From early times to c. 1500, ed. Nicholas Tarling (Cambridge: Cambridge University Press, 1992): 153-157; 252-260.

Ngoài ra, một số từ như “Chăm”, “Chàm” cũng xuất hiện trong bài viết này khi nói về tên gọi của bảo tàng qua các thời kỳ. Ví dụ: Bảo tàng Chàm tại Tourane (Musée Cam de Tourane) trong thời kỳ 1919 – 1935, nhưng tên gọi chính thức ngày nay là Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ngoài ra trong các tài liệu của người Pháp hoặc tài liệu dịch trước đây, chữ “Chàm” vẫn được sử dụng. Tác giả tôn trọng tính nguyên bản, nên vẫn sử dụng cả hai chữ “Chàm” và “Chăm” tuỳ theo bối cảnh. Về vấn đề danh xưng “Chàm” hay “Chăm”, xem bài viết của nhà nghiên cứu Inrasara tại đường dẫn:

https://www.baodanang.vn/channel/5433/201008/trao-doi-cham-hay-cham-dung-1999374/ (truy cập 13/5/2019)

2 Văn bia Mỹ Sơn C.73 A, niên đại thế kỉ 6 SCN thuộc triều vua Sambhuvarman, nhắc đến việc ngôi đền dâng cho thần Bhadresvara đã bị phá huỷ vào thế kỉ 5. Ngôi đền nay do vua Bhadravarman I (thế kỉ 5) xây dựng. Vì vậy có thể suy đoán rằng trước khi những ngôi đền bằng gạch được xây dựng ở Mỹ Sơn vào khoảng thế kỷ 7, đã từng tồn tại ít nhất một ngôi đền bằng gỗ ở đây từ thế kỉ 5. Xem: Karl-Heinz Golzio, Inscriptions of Campa (Germany: Shaker Verlag GmbH, 2004), 7-8.

3 Tháp Po Rome, có niên đại vào khoảng thế kỷ 17 được xem là ngôi tháp muộn nhất vẫn còn tồn tại đến hôm nay.

4 Marilyn B. Young, “The Vietnam Wars: 1945 – 1990,” (New York: Harper Collins Publishers, 1991), 32; Dưới thời kỳ thuộc địa, Việt Nam được chia thành là Tonkin, Annam và Cochinchina, tương ứng với Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ.

5 Résident, gọi là Công sứ, dùng để chỉ một quan chức người Pháp, được chỉ định bởi chính quyền thực dân để quản lý một tỉnh ở nước thuộc địa.

6 Emmanuel Guillon, “Charles Lemire,” SACHA, số 8 (Tháng 12, 2001): 16; Brown, The Field of Ancient Cham Art in France, 174-192.

7 Brown, 176. Các thông tin về việc sưu tập nghệ thuật châu Á của Lemire được biết đến thông qua các bài viết của Lemire và thư từ trao đổi giữa ông và chị gái mình, và các học giả người Pháp.

8 Vijaya là một trong số các tiểu quốc thuộc Champa. Năm 1471, quân đội Đại Việt đã chiếm đóng thủ đô Vijaya và tàn phá kinh thành này. Những thế kỉ sau đó đã chứng kiến sự tan rã và lụi tàn của các tiểu quốc miền Nam Champa và Champa chính thức chấm dứt sự tồn tại của mình như một nhà nước vào năm 1832.

9 Guillon, 16.

10 Brown, 119; Về tiểu sử của Henri Parmentier, xem tại đường dẫn:

http://www.efeo.fr/biographies/notices/parmentier.htm (truy cập 12/5/2019)

11 Southworth, 128 – 132; Henri Parmentier, Inventaire Descriptif des Monuments Čams de l'Annam, Tome I – L'étude de l'art Čam (Paris: Leroux, 1909).

12 Simone Delobel, “Genesis of the Cham Sculpture Museum in Da Nang”, SACHA, số 11 (Mùa đông, 2004 – 2005): 10-11.

13 Brown, 194.

14 Trần Thuý Điểm, “History of the Museum,” trong Cham Art: Treasures from the Da Nang Museum, Vietnam, ed. Emmanuel Guillon (Bangkok: River Books, 2001), 10-13.

15 Về lịch sử xây dựng bảo tàng, xem Henri Parmentier, “Catalogue du Musée Cam de Tourane,” BEFEO1919,  số 3  tại đường dẫn

(https://www.persee.fr/doc/befeo_0336-1519_1919_num_19_1_5651) và Bản dịch tiếng Việt “Vựng tập của Viện Bảo tàng Chàm tỉnh Tourane”, 1 – 4.

16 Clémentin-Ojha and Manguin, 219 – 220.

17 Trần, 11.



Tin cùng chuyên mục

 
 
Loading the player...
 
Đà Nẵng, Việt Nam

 
 
 
Thời gian
Từ 7h30 đến 17h00 tất cả các ngày
Giá vé
60.000 đồng/người/01 lượt tham quan
Địa chỉ
số 02, đường 2 tháng 9, thành phố Đà Nẵng, Việt Nam
 
Lượt truy cập: 488,353 Hôm qua: 1,097 - Hôm nay: 348 Tuần trước: 3,494 - Tuần này: 1,445 Tháng trước: 52,385 - Tháng này: 32,735 Đang trực tuyến: 21