Cả hai đều tham gia vào việc sưu tập và trưng bày nghệ thuật Champa, xuất phát từ đam mê tìm hiểu các nền văn minh cổ đại, sự quan tâm gìn giữ di sản văn hoá, và ước muốn trưng bày các tác phẩm nghệ thuật tôn giáo phục vụ công chúng. Cả hai ông đều chọn Tourane làm địa điểm lí tưởng để xây dựng bảo tàng vì thành phố nằm ở vị trí trung tâm nơi các di tích Champa hiện hữu ở miền Trung Việt Nam. Tuy nhiên, có một vài điểm khác biệt trong việc sưu tập giữa Lemire và Parmentier mà bài viết này sẽ chỉ ra sau đây:
Thứ nhất, việc sưu tập của Parmentier về bản chất mang tính khoa học trong khi Lemire khởi đầu là một người nghiệp dư. Đối với bảo tàng Chàm tại Tourane, Parmentier bắt đầu sưu tập thông qua công việc khảo sát, và tuân thủ theo những qui định chi tiết cho việc lựa chọn hiện vật. Cuốn danh mục của ông, tựa đề “Các tác phẩm điêu khắc Chàm tại bảo tàng Tourane” (Les sculptures chames au Musée de Tourane) in năm 1919 đã ghi lại thông tin của tất cả hiện vật bảo tàng hiện lưu giữ và cuốn danh mục này vẫn được sử dụng đến hôm nay cho mục đích tra khảo – nghiên cứu. Parmentier không đồng ý với các quan chức thuộc địa ở cách thức họ ứng xử với đền tháp và điêu khắc Champa. Ông tin rằng không nên tách rời các bộ phận kiến trúc đền tháp và hiện vật điêu khắc ra khỏi các ngôi đền “nếu không có động cơ mang tính khoa học hoặc một ý định nhằm bảo quản”18, và một khi đã được thu thập, các hiện vật điêu khắc cần phải được trưng bày ở các bảo tàng nằm gần nơi xuất xứ của chúng. Tuy nhiên trên thực tế, một số lượng lớn tác phẩm điêu khắc Champa đã được mang ra khỏi các ngôi đền tháp và được chuyển về Pháp bởi các quan chức thuộc địa và các nhà sưu tập.19 Ngược lại, Charles Lemire sưu tập điêu khắc Champa dựa trên niềm tin rằng những hiện vật này sẽ được bảo vệ khỏi sự hư hại do con người và thời tiết gây nên, và vì thế ông chủ ý tách gỡ hiện vật ra khỏi đền tháp nơi hiện vật vốn dĩ thuộc về. Với những hiện vật đã được vận chuyển về công viên Tourane, Lemire cũng đã ghi chép nguồn gốc xuất xứ của hiện vật, tuy nhiên công tác làm hồ sơ tư liệu của ông không mang tính chất khoa học chặt chẽ như Parmentier.20
Một điểm khác biệt nữa giữa hai nhà sưu tập được thể hiện qua thái độ của họ đối với hiện vật. Với Parmentier, động cơ chính của việc sưu tập là hình thành bộ sưu tập cho một tổ chức, vì thế tất cả các hiện vật điêu khắc mà ông thu thập đã được nhập về bảo tàng. Không có chứng cứ nào cho thấy Parmentier đã thu thập hiện vật để làm sở hữu tư nhân trong suốt những năm ông sống và làm việc cho EFEO tại Đông Dương. Tuy nhiên đối với Lemire, việc sưu tập của ông khởi đầu được thúc đẩy bởi động cơ sở hữu cá nhân và sau đó là thương mại. Ở đỉnh cao sự nghiệp với tư cách là quan chức thuộc địa và là nhà sưu tập, ông đã trưng bày bộ sưu tập nghệ thuật Châu Á của mình, ít nhất hai lần, với ý định làm nổi bật vị thế xã hội và cá nhân mình như hình ảnh của một nhà thám hiểm thuộc địa người Pháp theo đuổi sứ mệnh khai hoá văn minh ở Đông Dương. Mặc dù Lemire đã mang 50 pho tượng điêu khắc về công viên Tourane và kêu gọi việc thành lập một bảo tàng địa phương để trưng bày và bảo quản những hiện vật này, hành động này dường như chỉ là “kết quả của một sự tình cờ và sự chống đối” như Brown đã lập luận.21 Tài liệu lưu trữ của EFEO và ghi chép của Parmentier cho thấy trong khi làm công sứ tại Qui Nhơn, Lemire được chính quyền thực dân yêu cầu thu thập hiện vật để gửi về các bảo tàng ở Pháp. Tuy nhiên, ông đã phớt lờ yêu cầu này và quyết định di chuyển các hiện vật về công viên Tourane, bên cạnh đó gửi về Pháp cho bộ sưu tập tư nhân của mình.
Điểm khác biệt cuối cùng giữa hai nhà sưu tập là Parmentier đã bày tỏ sự tôn trọng của ông đối với người dân địa phương và quan tâm đến ý nghĩa tôn giáo của những hiện vật điêu khắc trong quá trình thu thập hiện vật để trưng bày tại bảo tàng. Ông tin rằng những người dân địa phương vẫn bày tỏ sự tôn kính đối với các pho tượng đặt ở các đền tháp và nỗi sợ hãi tâm linh phần nào đó đã ngăn cản họ xâm hại các pho tượng.22 Vì vậy khi thiết lập các nguyên tắc sưu tập hiện vật, ông đã lưu ý rằng không nên di dời các tượng điêu khắc hiện nay vẫn còn được người dân địa phương thờ cúng. Lemire, ngược lại, nhìn người Annam qua lăng kính chủ quan của một nhà cầm quyền với hệ tư tưởng thực dân, tin rằng sứ mệnh của người Pháp ở các nước thuộc địa là để giải cứu nền nghệ thuật cổ, như ý kiến của Nora Taylor.23 Ở một số bài viết của mình, Lemire khẳng định rằng người dân địa phương đã huỷ hoại một cách thiếu hiểu biết các di tích Chăm, và ông thậm chí còn gọi họ là “những người man rợ” (barbarians) hay “những người Annam đi xâm chiếm” (Annamite conquerors). Đây là những lời lẽ rất nhạy cảm cần nên tránh dùng trong các tài liệu, ấn phẩm về lịch sử và nghệ thuật Champa. Tuy nhiên bản chất thật sự của việc sưu tập dưới thời thực dân, theo như Claire Wintle,24 là để thể hiện quyền lực của những người chinh phục. Trong ngữ cảnh này, chúng ta có quyền đặt câu hỏi: ai là người đi chinh phục và ai, vì lợi ích cá nhân họ, đã tách rời các pho tượng tôn giáo ra khỏi đời sống/ngữ cảnh tôn giáo của những pho tượng đó?
Kết luận
Charles Lemire và Henri Parmentier đóng vai trò tiên phong trong việc sáng lập Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Công việc sưu tập và trưng bày các tác phẩm điêu khắc Champa của hai ông đã mở đường cho những nghiên cứu về sau này trong lĩnh vực lịch sử, nghệ thuật, bia ký Champa. Từ bộ sưu tập đầu tiên gồm 50 hiện vật mà Lemire đã chuyển về công viên Tourane năm 1892, Parmentier đã lập bản báo cáo thực trạng các hiện vật này, thiết lập qui tắc sưu tập hiện vật, và triển khai dự án xây dựng bảo tàng mà Lemire đã khởi xướng. Sau nhiều năm, Bảo tàng Chàm tại Tourane cuối cùng đã được xây dựng tại địa điểm công viên Tourane gần sông Hàn, nơi bảo tàng toạ lạc ngày nay.
Vai trò của hai nhà sưu tập đã được bảo tàng và cộng đồng những người yêu thích nghệ thuật Champa ghi nhận sâu sắc. Tuy nhiên những động cơ phía sau việc sưu tập của Lemire và Parmentier khá phức tạp và thay đổi theo thời gian. Là một kiến trúc sư và nhà khảo cổ, Parmentier thể hiện sự cam kết, gắn bó của mình đối với công tác trưng bày phục vụ công chúng và việc gìn giữ văn hoá, như đã thể hiện trong phương pháp làm việc của ông. Hoạt động sưu tập của Lemire, ngược lại, gây nên nhiều tranh cãi bởi lẽ việc làm của ông không chỉ đơn thuần xuất phát từ mong muốn gìn giữ nghệ thuật châu Á và trưng bày cho công chúng, mà còn được thúc đẩy bởi mong muốn sở hữu cá nhân và thu lợi nhuận.
Trong trào lưu trao trả hiện vật văn hoá đang diễn ra ở nhiều quốc gia hiện nay, các vấn đề xung quanh việc sưu tập hiện vật thời thực dân đang được nhìn nhận trở lại.25 Các hiện vật điêu khắc Champa đã được gửi đến nhiều bảo tàng và nhà trưng bày ở Pháp và các quốc gia khác. Không thể phủ nhận rằng các quan chức thực dân và những nhà sưu tập cổ vật đã tách rời các pho tượng điêu khắc Champa ra khỏi bối cảnh và nơi xuất xứ ban đầu, ban cho những hiện vật này một đời sống bảo tàng (museum life) và qua đó, họ đã dựng lại và làm thay đổi ý nghĩa, chức năng của các hiện vật điêu khắc. Tuy nhiên, vào thời điểm Việt Nam nằm dưới sự đô hộ của thực dân Pháp, nhiều đền tháp Champa đã bị huỷ hoại và các hiện vật điêu khắc ở các đền tháp đã bị bỏ mặc. Từ cái nhìn của một quan chức thực dân, Lemire tin tưởng rằng sứ mệnh của mình là gìn giữ các công trình cổ đại này, và vì thế song song với việc sưu tập, ông kêu gọi sự quan tâm của các cơ quan thuộc địa nhằm có những biện pháp thích hợp để bảo vệ tài sản văn hóa Champa khỏi bị huỷ hoại. Lịch sử đã sang trang, chúng ta không phủ nhận công việc của các quan chức và học giả người Pháp mà Lemire và Parmentier là những mắt xích quan trọng, nhưng đồng thời chúng ta cũng cần nhìn nhật sự thật lịch sử một cách khách quan với một tư duy phản biện, phê phán./.
Người viết: Nguyễn Hoàng Hương Duyên
18 Delobel, 11.
19 Jean-Michel Beurdeley, “La Collection Morice du Musée d'Histoire naturelle de Lyon,” SACHA, số 1 (Tháng 7, 1997), 4-7; Robert Stenuit, The Dr Morice Collecion: A Shipwreck Consignment of Cham Staturary,” Minerva, số 5, vol. 16 (Tháng 9/10, 2005), 34-41.
Bác sĩ Claude Albert Morice (1845-1877) đã gửi nhiều tượng Champa về Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Lyon. Vào ngày 17 tháng 6 năm 1877, con tàu hàng hải Pháp tên Mekong trên đường từ Sài Gòn đi Marseille chở theo bộ sưu tập tượng của Morice đã bị đắm ở ngoài khơi bờ biển Somalia. 18 tác phẩm được khai quật từ vụ đắm tàu này, trong đó 10 tác phẩm đã được nhận diện. Trong bài viết về bộ sưu tập Champa tại Bảo tàng Guimet, giám tuyển Pierre Baptise đã ghi chép lại 23 hiện vật điêu khắc Champa hiện đang trưng bày ở bảo tàng, trong đó có nhiều hiện vật được gửi về Guimet bởi các nhà cầm quyền thuộc địa và các nhà sưu tập.
20 Điều này đã dẫn đến một số sai lệch trong việc truy tìm nguồn gốc xuất xứ của hiện vật. Xem thêm Parmentier viết về Lemire và việc sưu tập của ông, trong “Vựng tập của Viện Bảo tàng Chàm tỉnh Tourane”.
21 Brown, 200-201.
22 Delobel, 11.
23 Taylor, 149 – 150.
24 Claire Wintle, “Colonial Perspectives on Material Culture from the Adaman and Nicobar Islands,” trong Colonial Collecting and Display: Encounters with Material Culture from the Adaman and Nicobar Islands (Oxford and New York: Berghahn, 2013), 73.
25 James Cuno, Who Owns Antiquity? Museums and the Battle over Ancient Heritage (Princeton and Oxford: Princeton University Press, 2008), chương mở đầu; James Cuno, Culture War: The Case Against Repatriating Museum Artifacts,
http://www.foreignaffairs.com/articles/142185/james-cuno/culture-war (truy cập 13/5/2019).
TÀI LIỆU DẪN
Baptiste, Pierre. 2002. “L’art Cham au Musée Guimet de Paris.” SACHA, số 9, Tháng 12.
Beurdeley, Jean-Michel. 1997. “La Collection Morice du Musée d’Histoire naturelle de Lyon.” SACHA, số 1, Tháng 7.
Bhatti, Shaila. 2012. Translating Museums: A Counter History of South Asian Museology. Walnut Creek: Left Coast Press.
Brown, Julian Richard. 2013. The Field of Ancient Cham Art in France: a 20th century creation – A study of museological and colonial context from the late 19th century to the present. PhD diss., SOAS, University of London.
Clémentin-Ojha, Catherine và Pierre-Yves Manguin. 2007. A Century in Asia: The History of the École Française D'Extrême-Orient, 1898 – 2006. Singapore Millet.
Cuno, James. 2019. Culture War: The Case Against Repatriating Museum Artifacts. http://www.foreignaffairs.com/articles/142185/james-cuno/culture-war (truy cập 13/5/2019).
Cuno, James. 2008. Who owns antiquity? Museums and the Battle over Ancient Heritage. Princeton and Oxford: Princeton University Press.
Delobel, Simone. 2004-2005. “Genesis of the Cham Sculpture Museum in Da Nang.” SACHA, số 11.
Findlen, Paula. 2002. “Inventing Nature: Commerce, Art and Science in the Early ModernCabinet of Curiosities.” in trong Merchants and Marvels, biên tập bởi Pamela Smith và Paula Findlen. London: Routledge.
Golzio, Karl-Heinz. 2004. Inscriptions of Campa. Germany: Shaker Verlag GmbH.
Guillon, Emmanuel. 2001. “Charles Lemire.” SACHA, số. 8, Tháng 12.
Hall, Kenneth R. 1992. “Economic History of Early Southeast Asia.” in trong The Cambridge History of Southeast Asia - Volume One, Part One – From early times to c. 1500", biên tập bởi Nicholas Tarling. Cambridge: Cambridge University Press.
Lockhart, Bruce. M. 2010. “Colonial and Post-Colonial Constructions of Champa.” in trong The Cham of Vietnam, biên tập bởi Bruce M. Lockhart và Trần Kỳ Phương. Singapore: NUS Press.
Parmentier, Henri. 1909. Inventaire Descriptif des Monuments Čams de l’Annam, Tome I – L’étude de l’art Čam. Paris: Leroux.
Parmentier,Henri. 1918. Inventaire Descriptif des Monuments Čams de l’Annam, Tome II – L’étude de l’art Čam. Paris: Leroux.
Southworth, William.2001. The Origins of Campa in Central Vietnam - a Preliminary Review. PhD diss., SOAS, University of London.
Stenuit, Robert. 2005. “The Dr Morice Collecion: A Shipwreck Consignment of Cham Staturary.” Minerva, số 5, tập 16, Tháng 9/10.
Taylor, Keith. 1992. “The Early Kingdom.” in trong The Cambridge History of Southeast Asia - Volume One, Part One – From early times to c. 1500, biên tập bởi Nicholas Tarling. Cambridge: Cambridge University Press.
Taylor, Nora. 2000. “Whose Art Are We Studying? Writing Vietnamese Art History from Colonialism to the present.” in trong Studies in Southeast Asia Art: Essays in honor of Stanley J.O’ Conner. Ithaca: Cornell University.
Trần Thuý Điểm. 2001. “History of the Museum.” in trong Cham Art: Treasures from the Da Nang Museum, Vietnam, biên tập Emmanuel Guillon. Bangkok: River Books.
Young,Marilyn B. 1991. The Vietnam Wars: 1945 – 1990. New York: Harper Collins Publishers.
Wintle, Claire. 2013. “Colonial Perspectives on Material Culture from the Adaman and Nicobar Islands.” in trong Colonial Collecting and Display: Encounters with Material Culture from the Adaman and Nicobar Islands. Oxford and New York: Berghahn.