Tháp Hòn Chuông - Quá trình phát hiện và điều tra

Ngày đăng: 14/03/2022

Tháp Hòn Chuông có tọa độ 1403’39.59” độ vĩ Bắc – 10908’3.23” độ kinh Đông, thuộc thôn Chánh Danh, xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, nằm trên đỉnh núi thuộc khu vực phía bắc của dãy núi Bà, cách thành phố Quy Nhơn 20km về phía Bắc và cách thị trấn Ngô Mây, trung tâm hành chính của huyện Phù Cát 12 km về phía đông. Dãy núi Bà là một hệ thống dãy núi với nhiều ngọn núi khác nhau, chạy theo hướng bắc-nam, tách biệt hoàn toàn với dãy Trường Sơn. Do nằm ở vị trí  phía đông của tỉnh Bình Định, gần giáp với biển, nên dãy núi Bà như là một tấm bình phong che chắn khu vực đồng bằng Bình Định rộng lớn. Tháp Hòn Chuông được đặt theo tên tảng đá trên một đỉnh núi thuộc dãy núi Bà. Đây là đỉnh núi cao thứ hai trong hệ thống các dãy núi Bà (có độ cao 800m so với mặt nước biển), chỉ sau đỉnh cao nhất là đỉnh Chóp Vung (có độ cao 1000m so với mặt nước biển). Ở phía trước tảng đá Hòn Chuông, còn có một tảng đá khác nhỏ hơn đứng bên cạnh, mà nhìn từ xa giống như một người lớn dắt tay một đứa nhỏ. Vì vậy, Hòn Chuông còn được người dân địa phương gọi là Hòn Vọng Phu.

Từ đầu thế kỷ XX, người Pháp đã tiến hành điều tra hệ thống các di tích đền tháp Champa tại Việt Nam. Thế nhưng, không một công trình nào của người Pháp, trong đó, nổi bật nhất là bộ sách “Thống kê khảo tả các di tích Chàm tại Trung Kỳ” của Henri Parmentier, đề cập hay nhắc đến tháp Hòn Chuông. Có thể do nằm ở vị trí rất cao trên đỉnh núi, đi lại không thuận lợi, cho nên ngay cả những người Việt tại địa phương thời kỳ đó cũng không biết đến sự tồn tại của một ngôi tháp Champa trên đỉnh Hòn Chuông.

Ảnh tháp Hòn Chuông chụp năm 1993. Nguồn: Bảo tàng tỉnh Bình Định

Chỉ bắt đầu vào năm 1993, trong đợt khảo sát tại khu vực dãy núi Bà để làm hồ sơ di tích khu căn cứ cách mạng, cán bộ Bảo tàng tỉnh Bình Định đã phát hiện một kiến trúc nằm trên một tảng đá to, cao sừng sững, tục gọi là Hòn Chuông mà từ trước đến nay không thấy tư liệu nào đề cập đến. Khảo sát dưới nền đất xung quanh dưới chân của tảng đá, các cán bộ bảo tàng phát hiện rất nhiều mảnh gạch Chăm, cùng các mảnh ngói mũi lá và ngói gắn gốm hình sừng bò. Bước đầu, các cán bộ của Bảo tàng Bình Định xác định đây là một kiến trúc tháp Champa, nên đã lấy tên tảng đá đặt cho tên tháp là tháp Hòn Chuông và bổ sung thêm di tích này vào danh mục tháp Champa tại Bình Định lên thành 8 cụm với 14 tháp. Tại thời điểm đó, do không có đường đi lên để tiếp cận ngôi tháp, nhóm khảo sát chỉ có thể ghi nhận bằng những bức ảnh chụp từ xa, với chất lượng hình ảnh khá mờ nhạt, khó hình dung được hình dáng của toàn bộ công trình. Tuy những mô tả trong hồ sơ di tích chỉ dựa vào những hình ảnh được chụp từ xa và qua phỏng vấn người dân địa phương, nhưng đã cung cấp những nhận định ban đầu về tháp Hòn Chuông.

Những thông tin về tháp được ghi chép trong hồ sơ di tích núi Bà vào năm 1993 như sau: “Lên đỉnh núi Bà, ở điểm cao 674 mét so với mực nước biển, tại Hòn Bà tục danh còn gọi là hòn Bà Chằng, cao 49 mét. Hòn đá này nằm trong một vùng trơ trọi không có cây, trên đỉnh hòn đá này… kiến trúc  không có đường lên, chỉ bằng phương tiện ống nhòm để quan sát thấy: phần giữa đã bị sập, tường hai đầu bắc và nam đo được 7,4m, chiều cao của tường là 12m. Theo lời kể của người dân ở vùng này, thưở nhỏ ông đã leo lên tận ngôi nhà này, thấy nhà được xây cửa về phía Tây, trên lợp ngói và có hai phòng, bên trong không có thờ gì cả. Hiện nay tại dưới chân Hòn Bà, còn thấy khá nhiều ngói âm dương bị vỡ, kích cỡ: dài 30cm; rộng 20cm, có loại 10cm. Đây là một di tích kiến trúc mới trong những di tích kiến trúc Chàm ở Bình Định, có thể xem như là một di tích mới phát hiện... Qua những hiện vật còn để lại như ngói âm dương, gốm sành, gạch… chúng tôi cho rằng kiến trúc ở Hòn Chuông thuộc xã Cát Tài, huyện Phù Cát là một loại kiến trúc nhà trạm. Chắc ở điểm cao này, người Chàm cổ có thể thờ thần núi và vừa là một đài quan sát cho kinh thành. Từ điểm cao này, sông, biển, đường bộ…có thể quan sát rất rõ. Hơn nữa kinh đô Vijaya trong lịch sử cách đó cũng không xa. Dù chỉ là phỏng đoán, nhưng phải cho rằng đây là một loại di tích duy nhất còn sót lại trên đất nước ta” (1).

Gốm hình sừng bò. 

Trong kho bảo quản của Bảo tàng tỉnh Bình Định, còn lưu giữ 04 hiện vật đem về từ đợt khảo sát Hòn Chuông lần đầu tiên, gồm: 04 mảnh ngói, có thân ngói dài, bo cong hình lòng máng, có lỗ nhỏ để cố định ngói lên phần mái, phía trên lưng ngói gắn gốm hình sừng bò. Đây có thể là ngói gắn lên bờ nóc kiến trúc. Kích thước trung bình của các mảnh ngói: chiều dài từ 22 – 25cm; chiều rộng từ 14 – 20cm; bề dày từ 1,5 – 2,5cm, chiều cao gốm hình sừng bò từ 10 – 13cm. Gốm có màu đỏ nhạt, xương gốm mịn và chắc. Đến năm 2013, tháp Hòn Chuông được đưa vào hệ thống tra cứu trên website bản đồ Khảo cổ học của Bảo tàng tỉnh Bình Định.

Năm 2020, Bảo tàng tỉnh Bình Định tiến hành khảo sát lần thứ hai tháp Hòn Chuông. Địa điểm xuất phát từ thành phố Quy Nhơn, đi theo Quốc lộ 1A về phía bắc khoảng 40km đến ngã ba Chợ Gồm thuộc xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, sau đó rẽ phải về hướng đông (phía biển Đề Gi), đi theo tuyến đường DT633 khoảng 7km đến khu dân cư thuộc thôn Chánh Danh, xã Cát Tài, huyện Phù Cát. Theo chỉ dẫn người dân địa phương, xuất phát từ đây sẽ là đoạn đường ngắn nhất để tiếp cận được tháp Hòn Chuông. Từ chân núi leo lên đi về phía nam, men theo sườn núi, trải qua 2,5 giờ leo qua ba ngọn núi, đoàn khảo sát đã tiếp cận dưới chân tảng đá Hòn Chuông. Khu vực đỉnh Hòn Chuông nằm giữa sườn núi chạy theo hướng đông – tây, một bên phía bắc là lưng núi, một bên phía nam là vực sâu, phóng xa tầm mắt là khu vực thung lũng trải dài về phía nam, bao quanh là nhiều ngọn núi.

Tiếp cận gần tảng đá cho thấy, Hòn Chuông là khối đá hoa cương (granit) với ba tảng đá lớn kết hợp thành, trong đó tảng đá cao nhất ở chính giữa là nơi ngôi tháp tọa lạc, tảng đá phía đông gắn liền với đỉnh giữa, thấp dần từ tây sang đông, tảng đá phía tây giống hình bát úp, nằm tách biệt cách tảng đá giữa khoảng 30m. Nhìn gần hơn, Hòn Chuông giống như những tảng đá màu trắng xám với nhiều kích thước xếp chồng thu nhỏ dần lên trên, bên hông tảng đá có những khe nứt lớn mà con người có thể đứng vào bên trong, trên đỉnh và hông các tảng đá mọc những bụi cây theo từng mảng. Do nằm vị trí tiếp giáp giữa sườn núi, nên đứng bên phía bắc đo ước đoán từ dưới mặt đất lên tảng đá cao khoảng 50m,  bên phía nam là vực sâu, chân tảng đá còn đi sâu xuống dưới, từ đỉnh ước đoán xuống chân phía nam có độ cao khoảng 100m. Dưới chân tảng đá vẫn phát hiện được khá nhiều các gạch Chăm bị vỡ. Bởi vì tảng đá quá cao, dốc thẳng đứng, để đảm bảo an toàn, đoàn tiến hành leo lên đỉnh tảng đá phía tây có độ cao thấp hơn, tảng đá có đường lên hình xoắn ốc, từ đó có thể nhìn thấy được ngôi tháp, tuy nhiên chỉ nhìn thấy một phần nhỏ tường tháp phía tây. Để thấy rõ hình ảnh của tháp, đoàn khảo sát cho tiến hành chụp ảnh và quay phim bằng máy flycam.

Qua đó, đoàn đã thấy rõ toàn bộ kiến trúc tháp. Tháp có bình đồ hình vuông giống như các tháp Champa truyền thống. Tuy nhiên, một điểm đặc biệt là phần chân tháp được xây thẳng khoảng 2m, sau đó tường tháp không xây thẳng đứng mà xây hơi nghiêng, thót dần từ dưới lên trên, phần đỉnh tháp bị cây cối mọc um tùm bao phủ. Xung quanh ngôi tháp có rất nhiều gạch rơi vãi, phủ lên nền đá. Qua kích thước gạch thu nhặt được dưới chân tảng đá, kết hợp với số lớp gạch xây mặt ngoài tháp có thể ước đoán kích thước của tháp: cao 7m, mỗi cạnh dài 8,64m. Có thể trước đây kích thước của háp cao hơn so với hiện nay, nhưng do tác động của thiên nhiên và thời gian nên tháp bị hư hại một phần.

Mặt tháp phía đông. Nguồn: Hoàng Như Khoa

Trong bốn mặt của tháp, thì mặt đông còn nguyên vẹn nhất, một số chỗ bị hư hại, gạch rơi ra tạo thành những hõm nhỏ, một số chỗ xuất hiện đường nứt dài. Mặt phía đông còn lại 86 lớp gạch, mặt ngoài được xây mài khít, không thấy mạch vữa, tạo thành bề mặt phẳng. Tính từ dưới chân tháp lên đến lớp gạch thứ 27, 28 và 29 được xây hơi nhô ra, tạo gờ nổi trên mặt tường tháp. Đường gờ này ngăn cách phần chân tháp và thân tháp. Phía dưới đã bị lấp một phần do gạch đổ từ trên xuống, tuy nhiên vẫn còn xuất lộ cửa ra vào. Những viên gạch được xây giật cấp hai bên, sau đó thu nhỏ dần lên trên đỉnh. Chiều cao còn lại của cửa đông ước đoán khoảng 2,08m. Cách xây dựng vòm cửa kiểu giật cấp như thế này rất phổ biến ở những kiến trúc tháp Champa. Tuy nhiên, qua bề mặt tường xung quanh cửa tháp cho thấy, cửa đông của ngôi tháp không xây nhô hẳn ra như ở các tháp Champa khác. Từ cửa đông đến hai bên góc tường tháp ước đoán khoảng 3m. Nhìn từ bên ngoài qua cửa đông thấy rõ, bên trong lòng tháp gạch đổ thành đống. Cạnh đông nam của ngôi tháp đa phần bị mất lớp gạch ngoài chỉ còn lại 15 lớp gạch trên cùng. Cạnh đông bắc của ngôi tháp cũng chỉ còn lại 16 lớp gạch phía trên.

Mặt tháp phía bắc. Nguồn: Hoàng Như Khoa

Mặt phía bắc cũng bị hư hại khá nhiều. Lớp gạch ngoài còn lại tập trung ở các lớp trên cùng, sát với cạnh đông bắc của ngôi tháp. Hiện còn lại khoảng 22 lớp gạch và phần bề mặt ngoài dưới chân tháp với 23 lớp gạch. Các lớp gạch ngoài được xây mài khít, không thấy mạch vữa. Phần mặt giữa tường tháp bị bong hoàn toàn lớp mặt ngoài, lộ ra toàn bộ lớp gạch trong. Gạch được xếp theo kỹ thuật so le, câu móc vào nhau tạo sự vững chắc cho công trình.

Mặt tháp phía nam. Nguồn: Hoàng Như Khoa

Mặt phía nam cũng bị hư hại nhiều. Phần chân tháp, cây cỏ mọc um tùm. Lớp gạch ở mặt tường ngoài phía trên có chiều cao còn lại khoảng 2,2m với 28 lớp gạch. Phần còn lại khoảng 4,8m trở xuống dưới chân tháp bị mất lớp gạch bên ngoài, chỉ còn lại lớp gạch bên trong màu cam nhạt, không sẫm màu như lớp gạch ngoài. Các lớp gạch bên trong đa phần được xây theo hướng đông – tây, một số vị trí gạch rơi ra ngoài tạo thành những hốc nhỏ, hoặc bị xô lệch so với vị trí ban đầu. 

Mặt tháp phía tây. Nguồn: Hoàng Như Khoa

Ở mặt phía tây, mặt tường bị hư hại nhiều nhất. Toàn bộ lớp gạch ngoài đã bị bong hết chỉ còn lại các lớp gạch bên trong. Phía mặt này bị cây cối bao phủ nhiều, có những cây lớn có bộ rễ ăn sâu vào tận kết cấu các lớp gạch bên trong làm cho một số vị trí bị xô lệch. Có những điểm bong tróc làm lộ lớp gạch bên trong có màu sắc sáng hơn những chỗ còn lại. 

Từ trên cao nhìn xuống, có thể thấy, tường của tháp khá dày, khoảng 1,5 – 2m, các viên gạch xây so le, câu móc vào nhau tạo sự vững chắc của tháp. Dựa vào hiện trạng, thì phần mái tháp trước kia có thể sẽ cao hơn so với hiện tại, theo chúng tôi đoán định, có thể mặt bằng phần mái tháp sẽ có diện tích khá nhỏ.

Tóm lại, tháp Hòn Chuông là một kiến trúc độc đáo về hình dáng chưa từng thấy trong nghệ thuật Champa. Nếu như các tháp Champa khác được xây với tường thẳng và hệ thống cột ốp, vòm cửa với nhiều họa tiết trang trí, có mái giật cấp thu dần lên trên, thì tháp Hòn Chuông có tường tháp xây thóp dần lên trên đỉnh tháp, mặt bằng mái tháp nhỏ, toàn bộ ngôi tháp không có hoa văn trang trí.

Nhìn trong không gian rộng lớn hơn, có thể thấy tháp Hòn Chuông như tựa vào đỉnh Chóp Vung ở phía tây và nhìn ra vùng biển ở phía đông. Tọa lạc trên đỉnh núi có độ cao khoảng 800m so với mặt nước biển, cho nên tháp Hòn Chuông được xem là tháp Champa còn tồn tại có vị trí xây dựng cao nhất Việt Nam.

Ghi chú:

1.       Bảo tàng Tổng hợp Bình Định, Hồ sơ khu di tích lịch sử Núi Bà, huyện Phù Cát, Tư liệu Bảo tàng tỉnh Bình Định, (1993), Tr. 6,7

2.       Đoàn gồm tác giả và các cán bộ Bảo tàng tỉnh Bình Định.

Hoàng Như Khoa

(Bảo tàng tỉnh Bình Định)


* Bài đã đăng trên Tạp chí Phát triển Kinh tế Xã hội TP. Đà Nẵng số 146/2022

Tin cùng chuyên mục

 
 
Loading the player...
 
Đà Nẵng, Việt Nam

 
 
 
Thời gian
Từ 7h30 đến 17h00 tất cả các ngày
Giá vé
60.000 đồng/người/01 lượt tham quan
Địa chỉ
số 02, đường 2 tháng 9, thành phố Đà Nẵng, Việt Nam
 
Lượt truy cập: 488,418 Hôm qua: 1,097 - Hôm nay: 413 Tuần trước: 3,494 - Tuần này: 1,510 Tháng trước: 52,385 - Tháng này: 32,800 Đang trực tuyến: 14