NHỮNG BIỂU TƯỢNG CẤU TRÚC VÀ ĐỘNG THÁI CỦA VĂN HÓA CHĂM

Ngày đăng: 21/03/2022
Tác giả: Đổng Thành Danh / Nhà xuất bản: Văn hóa Dân tộc / Năm xuất bản: 2021 / Ngôn ngữ: Việt / Số trang: 391 trang / Khổ: 14,5x20,5 cm / ISBN: 978-604-70-3208-2

Trọn vẹn cuốn sách này sẽ dành viết về người Chăm và nền văn hóa đặc sắc mà họ đã sáng tạo, bảo lưu và nuôi dưỡng trong suốt quá trình lịch sử, phát triển của dân tộc mình. Người Chăm là hậu duệ của nền văn minh Champa rực rỡ nhưng đã lụi tàn, để lại những di sản đồ sộ ở khắp miền Trung Việt Nam, như: hệ thống các đền, tháp Hindu giáo bằng gạch, các nền móng thành trì, bia ký, các bức tượng và phù điêu được điêu khắc tuyệt đẹp và các giá trị về chiều sâu văn hóa tinh thần in đậm trong văn hóa người Trung Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung. Người Chăm cư trú chủ yếu ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Họ sở hữu một thế giới quan, nhân sinh quan đa dạng và đầy tính triết lý; một đời sống tâm linh đầy bí ẩn và bảo tồn các ứng xử, tổ chức và thực hành văn hóa hết sức độc đáo... Tất cả những điều đó tạo nên một “bộ sưu tập” các giá trị văn hóa, truyền thống từ tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục, tập quán, nghi lễ, hội hè, ngôn ngữ, âm nhạc, văn chương, nghệ thuật tạo hình, điêu khắc....

Chính những nét tiêu biểu và cuốn hút kỳ lạ này đã trở thành một “kho báu” luôn cần và luôn thôi thúc sự tìm hiểu, khám phá. Ngay từ thời kỳ thuộc địa, người Pháp đã đặt các nền tảng đầu tiên cho việc nghiên cứu lịch sử, tôn giáo và văn hóa của người Chăm. Hàng loạt các bài viết, các công trình nghiên cứu về người Chăm đã ra đời, tạo nên những nhận thức bước đầu về dân tộc này dưới góc nhìn khoa học. Những gương mặt tiêu biểu cho giai đoạn này có thể kể ra, như: Étienne Aymonier, Henri Parmentier, Louis Finot, Antoine Cabaton, Paul Mus... Tiếp theo đó, những nghiên cứu này được tiếp tục bởi các học giả miền Nam (trước năm 1975), như: Nghiêm Thẩm, Nguyễn Khắc Ngữ, Nguyễn Văn Luận, linh mục Moussay... Nghiên cứu về văn hóa Chăm càng nở rộ trong mấy chục năm gần đây (sau năm 1975) với nhiều bài viết, công trình có giá trị của các tên tuổi lớn, như: Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp, Phan Đăng Nhật, Sử Văn Ngọc, Nguyễn Hải Liên, Quảng Văn Đại, Thành Phần, Inrasara, Phú Văn Hẳn, Bá Trung Phụ, Sakaya (Trương Văn Món), Nakamura, Yasuko... Đặc biệt gần đây, xuất hiện rất nhiều nhà nghiên cứu trẻ, công bố các bài viết có chất lượng đóng góp thêm cho các nghiên cứu về tộc người Chăm, như: Đàng Năng Hòa, Đạo Thanh Quyến, Quảng Đại Tuyên, Bá Minh Truyền, Quảng Văn Sơn, Bá Văn Quyến... Tất cả những thành tựu nghiên cứu của các thế hệ học giả này không ngừng làm dày “thư viện tri thức” về văn hóa Chăm.

Tuy vậy, ngoài các nghiên cứu mang tính lý thuyết và chuyên sâu, các bài viết, công trình của hầu hết các học giả kể trên đều dừng lại ở dạng nghiên cứu mang tính tổng hợp, đánh giá cung cấp dữ liệu dựa vào các quan sát dân tộc học, các nghiên cứu ấy tiếp cận văn hóa dưới góc độ hiện tượng chưa đi sâu vào các tiếp cận mang tính bản chất và có giá trị về nội hàm. Phần lớn các bài viết, công trình trước đó chỉ dừng lại ở việc liệt kê, miêu tả và bình luận về các hiện tượng, các thực hành văn hóa dưới góc độ dân tộc học và nghiên cứu văn hóa ứng dụng, chưa liên kết với các nền tảng lý thuyết và phương pháp tiếp cận mang tính đặc thù của ngành nhân học, như: biểu tượng luận, cấu trúc luận, nhân học diễn giải, nhân học ứng dụng và phát triển... Điều này, phần nào hạn chế trong cách nhìn của chúng ta về văn hóa, nó đóng khung các hiện tượng và thực hành văn hóa trong các yếu tố bên ngoài, trong các hành động văn hóa cụ thể, quan sát được bằng các giác quan, trong các lý giải mang tính chủ quan của nhà nghiên cứu... Ở đó, chúng ta chưa thấy được các đặc trưng về hệ thống - cấu trúc, các biểu tượng, các động thái (từ hình thành, tồn tại đến biến đổi, tiếp biến, phát triển hay lụi tàn) của các hiện tượng và thực hành văn hóa, từ đó chưa nhận thức rõ được các giá trị nội tại, các ý nghĩa tiềm ẩn, nhận thức mang tính chiều sâu của người Chăm trong quá trình sáng tạo, bảo tồn và hòa nhập các giá trị văn hóa.

Các chủ đề trong cuốn sách này, không nhằm thay đổi hoàn toàn các thực trạng nghiên cứu kể trên, nhưng mong muốn đóng góp một phần nhỏ để cải thiện tình trạng ấy, cung cấp một ý tưởng để gợi mở các tiếp cận mới về người Chăm dưới góc độ nhân học và văn hóa. Trong đó, chúng tôi tiếp cận văn hóa Chăm dưới 3 giác độ cụ thể:

- Tiếp cận và diễn giải các biểu tượng trong hệ thống, cách thức tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo; trong nhận thức về vũ trụ và con người; trong các lễ tang, lễ hội đầu năm;

- Phân tích cấu trúc và giải cấu trúc trong các hệ thống cụ thể như: niềm tin và cơ cấu tâm linh; trong các thực hành văn hóa truyền thống; tổ chức mô hình xã hội...;

- Động thái của văn hóa, trong đó đề cập đến một số di sản, dấu ấn văn hóa tiêu biểu được hình thành trong quá khứ được người Chăm bảo lưu từ xưa đến nay, nhận thức các yếu tố nguyên bản, các yếu tố bị biến đổi, các giá trị còn lại, mất đi, và xem xét khả năng ứng dụng, phát huy các di sản, giá trị văn hóa Chăm trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay.

Để thực hiện được các mục tiêu ấy, chúng tôi sử dụng hầu hết các lý thuyết và phương pháp nghiên cứu của ngành văn hóa, dân tộc học và nhân học. Cụ thể, dựa vào các nền tảng phương pháp luận chủ yếu là: cấu trúc và giải cấu trúc, cấu trúc - chức năng, biểu tượng luận, tương đối luận, nhân học phát triển và nhân học về du lịch... Các phương pháp chúng tôi sử dụng là quan sát tham dự, phỏng vấn sâu, phỏng vấn hồi cố, nghiên cứu tàn dư, dấu vết... với các tiếp cận đa chiều vừa mang tính lịch đại vừa mang tính đồng đại.

Đặc biệt, mọi nghiên cứu của chúng tôi đều quán triệt quan điểm sử dụng linh hoạt các tiếp cận emic và etic, trong đó quan điểm emic có nguyên tắc tiếp cận là lấy quan điểm của chủ thể nghiên cứu làm trung tâm, trong khi quan điểm etic lại đề cao vai trò nhận định, đánh giá vấn đề của nhà nghiên cứu theo xu hướng khách quan. Sử dụng linh hoạt và phù hợp hai quan điểm nghiên cứu này sẽ giúp hài hòa giữa quan điểm của chủ thể văn hóa và nhà nghiên cứu, giữa tính khách quan và chủ quan trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa Chăm.

Dù vậy, cuốn sách này chắc chắn không thể không có những thiếu sót, hạn chế về các dữ liệu nghiên cứu, các đánh giá, nhận định và giả thuyết đặt ra trong từng bài viết. Rất mong nhận được những phê bình, đóng góp, ý kiến trao đổi thẳng thắn, khách quan và mang tính khoa học của các học giả tiền bối, các đồng nghiệp và bạn đọc để có thể hoàn thiện tác phẩm trong lần xuất bản sau và quan trọng hơn là bản thân tôi có thể hoàn thiện quan điểm nghiên cứu của mình trong tương lai.

Đổng Thành Danh

Xem thêm Mục lục sách tại:

https://bit.ly/Dong-Thanh-Danh-Nhung-bieu-tuong-cau-truc-va-dong-thai-cua-van-hoa-Cham-Muc-luc

***

Tìm hiểu thêm về tài liệu, vui lòng liên hệ:

Phòng Giáo dục và Truyền thông, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng

SĐT: (+84) 0236 3572 935

Email: gdtt-baotangcham@danang.gov.vn | lib.museumofchamsculpture@gmail.com

Tin cùng chuyên mục

 
 
Loading the player...
 
Đà Nẵng, Việt Nam

 
 
 
Thời gian
Từ 7h30 đến 17h00 tất cả các ngày
Giá vé
60.000 đồng/người/01 lượt tham quan
Địa chỉ
số 02, đường 2 tháng 9, thành phố Đà Nẵng, Việt Nam
 
Lượt truy cập: 488,341 Hôm qua: 1,097 - Hôm nay: 336 Tuần trước: 3,494 - Tuần này: 1,433 Tháng trước: 52,385 - Tháng này: 32,723 Đang trực tuyến: 16