Phương pháp xây dựng và tổ chức chương trình giáo dục Bảo tàng (phần 1)

Ngày đăng: 21/03/2022

1. Vai trò công tác giáo dục của bảo tàng

Cùng với quá trình phát triển của xã hội, bảo tàng có một vai trò ngày càng lớn trong xã hội, là thiết chế tổng hợp, đa chức năng, ở đó khách tham quan có thể học tập, nghiên cứu, giao tiếp, sáng tạo, giải trí... Chức năng của bảo tàng luôn được bổ sung, đáp ứng các nhu cầu của xã hội. Theo Viện Smith Sonian (Hoa Kỳ), bảo tàng có 03 chức năng là: Làm giàu tri thức (Enrich), Giáo dục (Educate) và Vui chơi giải trí (Entertain); Theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên New York (Hoa Kỳ), chức năng của bảo tàng là Giáo dục (Education), Tìm tòi (Expedition) và Nghiên cứu (Research). Theo Hội đồng Bảo tàng Quốc tế (ICOM), chức năng cơ bản của bảo tàng được thể hiện trên ba mục tiêu là Nghiên cứu, Giáo dục và Thưởng thức.

Mặc dù còn tồn tại một số quan điểm khác nhau, nhưng cơ bản các quan điểm hiện nay đều thống nhất bảo tàng có các chức năng xã hội: nghiên cứu khoa học, giáo dục khoa học, bảo tồn di sản văn hóa, tài liệu hóa khoa học, thông tin, giải trí và hưởng thụ văn hóa. Trong đó, nghiên cứu khoa học và giáo dục khoa học là hai chức năng cơ bản thường được nhắc đến.

Theo định nghĩa về Bảo tàng trong Luật Di sản văn hóa Việt Nam cũng như của Hội đồng Bảo tàng Quốc tế (ICOM) thì giáo dục là một trong những nhiệm vụ quan trọng của bảo tàng bên cạnh nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày, kiểm kê, bảo quản. Trong Tuyên bố của ICOM (ICOM Statutes: Code of Professional Ethics - Quy ước về đạo đức nghề nghiệp, 1990) nêu rõ:  “Bảo tàng cần tận dụng mọi cơ hội để mở rộng vai trò như một tiềm năng giáo dục cho mọi thành phần xã hội hoặc những nhóm đối tượng chuyên môn mà bảo tàng có chủ ý phục vụ…”. [1]

Về vai trò và tầm quan trọng của công tác giáo dục bảo tàng, trong cuốn sách “Lập kế hoạch cho dự án xây dựng bảo tàng thành công” xuất bản năm 2009 tại Mỹ, các tác giả Walter L. Crimm, Martha Morris và L.Carole Wharton đã khẳng định: Sưu tập hiện vật, trưng bày và các chương trình giáo dục được coi là cốt lõi của một bảo tàng. Các nhà Bảo tàng học hiện đại khuyến cáo chúng ta trong tương lai “không nên quên giáo dục là một trong nhữn chức năng quan trọng của một bảo tàng và là lý do để bảo tàng tồn tại”[2]

Giáo dục bảo tàng là một lĩnh vực chuyên biệt nhằm phát triển và tăng cường vai trò giáo dục của các không gian và cơ sở giáo dục phi chính quy như bảo tàng. Mục tiêu chính của nó là thu hút khách tham quan vào những trải nghiệm học tập để nâng cao sự tò mò và hứng thú đối với các hiện vật và sưu tập hiện vật của bảo tàng. Xã hội thay đổi, các bảo tàng đã, và vẫn đang tiếp tục thay đổi, điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của công chúng - cơ sở tồn tại của bảo tàng. Nhu cầu của người sử dụng bảo tàng tăng lên khiến cho bảo tàng phải cung cấp nhiều dịch vụ hơn. Khách tham quan giờ đây không còn hài lòng với việc đến bảo tàng chỉ đơn giản là ngắm nhìn các hiện vật quý được trưng bày trong các tủ kính. Ngoài việc học, tìm kiếm thông tin qua các bản viết (text) trong trưng bày hay qua nội dung thuyết minh mà hướng dẫn viên cung cấp, du khách thường tìm kiếm những trải nghiệm thực tế, chủ động tìm hiểu, sẵn sàng đối thoại, trao đổi, mong muốn được tham gia, thực hành, trải nghiệm cùng hiện vật để tìm hiểu kiến thức, thông tin và không thể thiếu đó là nhu cầu giải trí. Đó là những hoạt động có thể bao gồm: trải nghiệm cảm giác phong phú, mới lạ, ngạc nhiên, mê hoặc, hoài cổ, tham gia và tự do khám phá thông tin ở nhiều cấp độ khác nhau.

Học sinh tham quan trưng bày theo chủ đề trước khi tham gia hoạt động trải nghiệm tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Giáo dục trong bảo tàng là: suốt đời, chủ động, sinh động, khuyến khích mọi người tham gia và sáng tạo”[3]. Hoạt động giáo dục bảo tàng dựa trên các bộ sưu tập, trưng bày và công tác chuyên môn của các bảo tàng. Vai trò giáo dục của bảo tàng có thể đạt được bằng nhiều cách khác nhau nhưng có hai cách cơ bản và phổ biến nhất là qua các chương trình giáo dục và trưng bày, đặc biệt là các trưng bày hàm chứa thông tin, có phương thức giao tiếp (giới thiệu, diễn giải) hiệu quả với nhóm đối tượng công chúng mục tiêu đã được xác định.

Bảo tàng, với lợi thế sở hữu các sưu tập hiện vật về lịch sử tự nhiên và xã hội cùng với những nội dung và câu chuyện liên quan thực sự là nơi tìm hiểu, học tập, làm giàu kiến thức hấp dẫn, hiệu quả (đây là lợi thế riêng có của bảo tàng so với các cơ quan, tổ chức công cộng khác). Bảo tàng là nơi duy nhất để giảng dạy về nhiều chủ đề nếu như nhà giáo dục bảo tàng thiết lập được một cơ cấu tổ chức linh hoạt trong đó đề ra các tiêu chí cần tuân thủ trong quá trình xây dựng, thực hiện, đánh giá các chương trình giáo dục của bảo tàng, và bảo tàng phải là một môi trường mà tất cả mọi người có thể học ở cấp độ và mức độ phù hợp với nhu cầu của mình. Hoạt động giáo dục trong bảo tàng được thực hiện với quan điểm coi khách tham quan là những người chủ động học tập. Nhiệm vụ của bảo tàng là cung cấp các cơ hội học tập phục vụ công chúng chứ không phải là “giáo dục” ai về một nội dung nào đó. Và vì vậy, hoạt động truyền bá tri thức - giáo dục của bảo tàng ngày nay không còn là sự chuyển giao một chiều từ hướng dẫn, thuyết minh viên sang khách tham quan/công chúng mà là sự trao đổi hai chiều, tác động ảnh hưởng lẫn nhau. Người ta không chỉ quan tâm đến việc bảo tàng “dạy” gì cho công chúng, mà quan trọng hơn là “công chúng học bằng cách trải nghiệm như thế nào”. Ở đây, công chúng là người học “chủ động” chứ không còn là người nghe “thụ động” nữa, công chúng được tiếp cận nhiều chiều để tự rút ra những trải nghiệm, tự đúc kết những bài học, những kiến thức mới cho mình.

Học sinh làm phiếu trả lời câu hỏi trong chương trình “Giờ học lịch sử” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Bản chất của giáo dục bảo tàng chịu ảnh hưởng, tác động bởi nhiều yếu tố: Thứ nhất, các bộ sưu tập của bảo tàng phần lớn rất độc đáo; Thứ hai, có rất nhiều đối tượng khác nhau từ trẻ mầm non, học sinh, sinh viên... cho đến các gia đình và người lớn tuổi là những người tới thăm bảo tàng; Thứ ba, các phương pháp được sử dụng cho trải nghiệm giáo dục rất đa dạng bao gồm: triển lãm, nhập vai/đóng kịch, những buổi tiếp xúc hiện vật, trình diễn, thuyết trình, các buổi nói chuyện và nhiều hơn nữa....Do vậy, giáo dục bảo tàng phải rất linh hoạt và thích ứng, yêu cầu nhiều kỹ năng và điều quan trọng là những người làm công tác giáo dục trong bảo tàng cần. cẩn thận, cân nhắc việc chọn lựa phương pháp giáo dục phù hợp đối với từng đối tượng công chúng cụ thể.

Trên thế giới, không chỉ có bảo tàng độc quyền việc xây dựng tổ chức các chương trình giáo dục trải nghiệm mà bất kỳ cơ quan, đơn vị nào phục vụ công chúng (cơ quan quản lý di sản, văn hóa, thư viện, phòng triển lãm,...) cũng đều chú trọng, có những ứng dụng giáo dục trải nghiệm dành cho công chúng. Hầu hết các bảo tàng đều có trung tâm, phòng hoặc bộ phận chuyên trách hoạt động giáo dục. Các cán bộ giáo dục có một vai trò rất quan trọng, họ là những người được đào tạo, có sự hiểu biết về bảo tàng và các sưu tập hiện vật, đóng vai trò cung cấp, tạo ra môi trường hoặc khuôn khổ cho hoạt động trải nghiệm tại bảo tàng, là người kích thích, thúc đẩy, hướng dẫn, tư vấn…, có nhiệm vụ giúp công chúng - đặc biệt là trẻ em học và sử dụng bảo tàng. Các cán bộ giáo dục ngày càng được tham gia tích cực hơn vào quá trình tổ chức trưng bày, trực tiếp tham gia vào việc thiết kế ý tưởng, chủ đề, nội dung, giải pháp trưng bày... tức là các khâu quan trọng nhất của công tác tổ chức trưng bày bảo tàng để từ đó hình thành ý tưởng, nội dung cho các chương trình giáo dục.

- Các chương trình giáo dục được thiết kế cho từng đối tượng riêng biệt như người lớn, trẻ em, người cao tuổi, thanh niên, sinh viên, giáo viên, nhóm gia đình, nhóm người thiệt thòi (khiếm thính, khiếm thị, dị tật...). Hình thức của các hoạt động giáo dục cũng rất đa dạng: đó là các chương trình tham quan theo chủ đề, các lớp học ngắn hạn, lớp học nâng cao, kể chuyện, thuyết trình, đối thoại, vẽ tranh, chụp ảnh, các cuộc thi, các trò chơi tập thể, tổ chức các sự kiện văn hóa - nghệ thuật…. Phương châm của các chương trình/ hoạt động giáo dục trong bảo tàng là hấp dẫn, bổ ích, niềm vui và sáng tạo.

- Về cơ bản các chương trình giáo dục của bảo tàng đều xây dựng theo chủ đề của các bộ sưu tập của bảo tàng, tuy nhiên, căn cứ vào nhu cầu của công chúng, các hoạt động giáo dục còn mở rộng ra các lĩnh vực khác như: triết học, văn học, thời trang, diễn kịch hoặc các nội dung có tính thực tiễn gắn với đời sống đương đại. Đến bảo tàng, trẻ em được học vẽ, sáng tác truyện tranh, hoạt hình, chụp ảnh, quay phim và tự làm những phim ngắn; có thể đăng ký những lớp học làm làm vườn, làm đồ thủ công, nấu ăn, làm bánh... Nhiều câu lạc bộ đã được thành lập tại nhiều bảo tàng để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, giao tiếp theo nhóm rất hiệu quả.

- Cán bộ giáo dục bảo tàng luôn quan tâm đến việc thu thập dữ liệu về công chúng hiện có và công chúng tiềm năng của bảo tàng, nhằm xác định nhu cầu, mối quan tâm của họ để thực hiện (bằng nhiều cách khác nhau) việc chuyển tải thông điệp giáo dục của bảo tàng đến công chúng và đảm bảo rằng công chúng sẽ hài hòng với những trải nghiệm tại bảo tàng. (Xem tiếp phần 2)

Ths. Phạm Thị Mai Thủy

Trưởng phòng Giáo dục - Công chúng, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Becoming a Better Learner (Trở thành người học tốt)

2.     Bettye Alexander Cook, B.A., M.A, 2007. A Chronological study of experiential education in the American History Museum (Nghiên cứu lịch đại về giáo dục trải nghiệm ở Bảo tàng Lịch sử Hoa kỳ).

3.     Gary Edson và David Dean. Cẩm nang bảo tàng (The handbook for Museums). Bản dịch của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. 2001 

4.     Hooper-Greenhill E, 1992a. Museum Education, Manual of Curatorship (Giáo dục bảo tàng, Cẩm nang cho người phụ trách, 1 BH.

5.     Hooper-Greenhill E, 1992b. Museum Education Today, Working in Museum & Gallery Education 10  Career Experiences, Leicester University Press

6.     ICOM (International Council of Museums), 1990. ICOM Statutes: Code of Professional Ethics (Quy ước về đạo đức nghề nghiệp)

7.     ICOM (International Council of Museums), 1989 Museums: Generators of Culture, Paris.

8.     Timothy Ambrose và Crispin Paine. Cơ sở bảo tàng (Museum Basics) Bản dịch của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.2000 


[1] ICOM (International Council of Museums), 1990. ICOM Statutes: Code of Professional Ethics (Quy ước về đạo đức nghề nghiệp): 26.

[2] Hooper-Greenhill E, 1992a.Museum Education, Manual of Curatorship (Giáo dục bảo tàng, Cẩm nang cho người phụ trách, 1 BH: 670.

[3] Hooper-Greenhill E, 1992b. Museum Education Today, Working in Museum & Gallery Education 10 Career Experiences, Leicester University Press: 6, 7.


Nguồn: http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3099/72403/phuong-phap-xay-dung-va-to-chuc-chuong-trinh-giao-duc-bao-tang.html

Tin cùng chuyên mục

 
 
Loading the player...
 
Đà Nẵng, Việt Nam

 
 
 
Thời gian
Từ 7h30 đến 17h00 tất cả các ngày
Giá vé
60.000 đồng/người/01 lượt tham quan
Địa chỉ
số 02, đường 2 tháng 9, thành phố Đà Nẵng, Việt Nam
 
Lượt truy cập: 575,347 Hôm qua: 487 - Hôm nay: 48 Tuần trước: 3,563 - Tuần này: 535 Tháng trước: 58,991 - Tháng này: 47,682 Đang trực tuyến: 20