KHÁM PHÁ DI SẢN THẾ GIỚI TẠI CĂM PU CHIA, LÀO VÀ VIỆT NAM

Ngày đăng: 28/09/2022
Chủ biên: Nao Hayashi / Nhà xuất bản: Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) / Năm xuất bản: 2015 / Ngôn ngữ: Anh, Việt / Số trang: 356 trang / ISBN: 978-92-3-000020-2

Hãy tưởng tượng đây là một không gian bảo tàng với các hiện vật nằm tại các Di sản Thế giới ở Căm Pu Chia, Lào và Việt Nam. Bảo tàng sẽ mở ra một hành trình đưa chúng ta đi qua những ngọn đèo xanh tươi trù phú, xuôi dòng sông Mê Công và sông Hồng, đến những ngôi đền ngập tràn mùi nhang trầm và hương hoa dâng lên các vị thần linh. Sự ra đời của bảo tàng tưởng tượng này là kết quả của sự hợp tác chưa từng có giữa chín bảo tàng liên quan đến sáu Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, gồm Angkor, Preah Vihear, Vat Phou, Mỹ Sơn, Thành Nhà Hồ và Hoàng thành Thăng Long.

Đông Nam Á lục địa tựa như một mảng ghép, tập hợp nhiều dân tộc sinh sống dọc các tuyến sông hồ, trên các bình nguyên, rừng núi và trên các đồng bằng cửa sông. Lịch sử cổ đại của những dân tộc này được phản ánh qua những cứ liệu lịch sử và khảo cổ học có niên đại từ thế kỷ thứ hai sau Công nguyên. Hiện vật tìm thấy tại các khu Di sản Thế giới ở Đông Nam Á giúp chúng ta hiểu thêm về những tiến trình văn hóa - lịch sử phức tạp tạo nên vị trí đặc biệt của khu vực này trong lịch sử thế giới.

Phù Nam, Chân Lạp, Chăm Pa, các vương triều Angkor của người Khmer và Đại Việt của người Việt Nam là những nhà nước đặc trưng tạo nên lịch sử của khu vực Đông Nam Á. Những dân tộc khác, dù lịch sử của họ ít được biết đến ngoại trừ những mảnh vụn ghi chép được góp nhặt lại, cũng đóng vai trò quan trọng trong thương mại và các hoạt động khác.

Nhờ quá trình trao đổi và buôn bán với các quốc gia Đông Nam Á, các vương quốc của người Chăm Pa và Khmer đã tích lũy của cải và dần dần hòa nhập vào một hệ thống lớn hơn, trải dài từ Trung Quốc và Đông Á đến các quốc gia Hồi giáo, Địa Trung Hải, và đến cả châu Phi. Các quốc gia này đã tiếp nhận những ảnh hưởng ngoại lai, đặc biệt là từ khu vực Nam Á từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 5 sau Công nguyên, để từ đó kiện toàn hệ thống chính trị với sự hậu thuẫn của các giáo lý tôn giáo và phát triển kinh tế, xã hội.

Ở Việt Nam, quá trình phát triển văn hóa lâu dài của các cộng đồng sinh sống tại châu thổ sông Hồng đã nuôi dưỡng những đặc tính văn hóa tiền Hán, và gìn giữ lưu truyền lại cho các thế hệ nối tiếp. Từ thế kỷ 10 trở về sau, Đại Việt giành được độc lập từ Trung Quốc và trở thành trung tâm văn hóa, kinh tế của khu vực. Sông Hồng đóng vai trò là tuyến giao thương với Trung Quốc, Chăm Pa, Java, Xiêm La, Ấn Độ, Eo biển Malacca và nhiều quốc gia khác.

Phần thứ nhất của trưng bày mang chủ đề Thiên nhiên và Thần thoại, giới thiệu về thiên nhiên và đời sống thông qua các biểu hiện văn hóa là kết quả giao thoa giữa các yếu tố bản địa và ảnh hưởng ngoại lai. Phần thứ hai, Thương mại và Trao đổi, phản ánh cuộc giao lưu giữa các cư dân bản địa với các lãnh thổ và nền văn minh láng giềng thông qua quá trình di cư, liên minh, trao đổi thương mại và chiến tranh. Phần thứ ba của trưng bày trình bày các chủ đề do các bảo tàng tham gia lựa chọn.

Chúng tôi mong rằng bảo tàng tưởng tượng này sẽ mang đến cho các bạn những hiểu biết về lịch sử của các Di sản Thế giới ở khu vực Đông Nam Á, khơi dậy cảm hứng khám phá các bảo tàng và Di sản Thế giới này trong tương lai.


Có thể xem Mục lục sách tại:

https://bit.ly/UNESCO-KhamphaDisanthegioitaiCampuchiaLaovaVietNam-2015

Hoặc xem và tải tài liệu trực tuyến tại ĐÂY 

***

Tìm hiểu thêm về tài liệu, vui lòng liên hệ:

Phòng Giáo dục và Truyền thông, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng

SĐT: (+84) 0236 3572 935

Email: gdtt-baotangcham@danang.gov.vn | lib.museumofchamsculpture@gmail.com

Tin cùng chuyên mục

 
 
Loading the player...
 
Đà Nẵng, Việt Nam

 
 
 
Thời gian
Từ 7h30 đến 17h00 tất cả các ngày
Giá vé
60.000 đồng/người/01 lượt tham quan
Địa chỉ
số 02, đường 2 tháng 9, thành phố Đà Nẵng, Việt Nam
 
Lượt truy cập: 488,317 Hôm qua: 1,097 - Hôm nay: 312 Tuần trước: 3,494 - Tuần này: 1,409 Tháng trước: 52,385 - Tháng này: 32,699 Đang trực tuyến: 6