Chi bộ Bảo tàng Điêu khắc Chăm tổ chức sinh hoạt chuyên đề quý II “Học tập truyền thống lịch sử tại Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng”

Ngày đăng: 05/04/2023
Ngày 03/4/2023, thực hiện kế hoạch sinh hoạt chuyên đề năm 2023 của Chi bộ Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Chi bộ Bảo tàng đã tổ chức chuyến đi về nguồn tại Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.

Tại Nhà lưu niệm, các đồng chí đảng viên trong Chi bộ đã thành kính dâng hương, tưởng nhớ và tri ân những đóng góp, cống hiến của cụ Huỳnh Thúc Kháng cho quê hương, đất nước. Đoàn cũng được nghe cán bộ phòng Văn hóa – Thông tin huyện Tiên Phước giới thiệu về gia đình, thân thế, sự nghiệp cùng các tư liệu, hiện vật quý giá liên quan đến cuộc đời hoạt động của cụ Huỳnh Thúc Kháng lúc sinh thời.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh ngày 01/10/1876, tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Năm 1904, Cụ đỗ Tiến sĩ. Năm 1908, Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một trong những người đứng đầu phong trào Duy Tân ở Trung Kỳ, bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo 13 năm mới được trả tự do. Năm 1926, Cụ đắc cử dân biểu rồi được cử làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Trong thời gian này, Cụ Huỳnh cương quyết tranh đấu trong nghị trường với chính quyền thực dân Pháp, rồi xét thấy không thể tiếp tục đấu tranh nghị trường với thực dân, cụ Huỳnh khẳng khái từ chức năm 1928. Năm 1927, Cụ thành lập tờ báo “Tiếng Dân”. Từ đây đến ngày 28/4/1943 khi bị đóng cửa, báo Tiếng Dân với nhà báo Huỳnh Thúc Kháng đã góp phần vào việc giáo dục quần chúng đấu tranh công khai, tố cáo chính sách thống trị của chính phủ Pháp, vạch mặt bọn Việt gian cùng những thủ đoạn mị dân của chúng, đòi hỏi dân chủ, dân sinh. Trong không khí ngột ngạt của kinh đô Huế và toàn xứ Trung Kỳ, tờ báo là một làn gió mát rất được độc giả hoan nghênh.

Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, Cụ Huỳnh Thúc Kháng được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Tháng 6/1946, Hồ Chủ tịch đi Pháp, đã cử Cụ làm Quyền Chủ tịch nước. Ngày 21/4/1947, Cụ mất tại Quảng Ngãi khi đi kinh lý miền Trung. Theo tâm nguyện của Cụ, nhân dân đã an táng Cụ Huỳnh Thúc Kháng trên đỉnh núi Thiên Ấn, Quảng Ngãi.

Để tri ân và ghi nhận công lao, đóng góp to lớn của cụ Huỳnh Thúc Kháng, nhân dịp kỷ niệm 66 năm ngày mất của Cụ, năm 2013, Đảng, Nhà nước và tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Lễ truy tặng Huân chương Sao vàng cho Cụ.

Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng tọa lạc trong khu vườn có diện tích rộng gần 4.000m2 do thân sinh Cụ xây dựng từ năm 1869. Ngôi nhà theo kiểu thức ba gian, hai chái, mái ngói với lối kiến trúc phổ biến thời nhà Nguyễn. Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng đã được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích cấp quốc gia từ năm 1990. Bên trong ngôi nhà hiện nay vẫn còn bảo tồn được không gian làm việc khi xưa và trưng bày một số hình ảnh về gia đình, thân thế, sự nghiệp và các tư liệu, hiện vật quý giá liên quan đến cuộc đời hoạt động của cụ Huỳnh Thúc Kháng lúc sinh thời.


Chuyến đi thực tế sinh hoạt chuyên đề là một hoạt động hết sức ý nghĩa, giúp các đồng chí đảng viên trong Chi bộ hiểu hơn về thân thế, sự nghiệp, cũng như học tập được nhiều bài học từ tấm gương, đạo đức của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Từ đó, tập thể đảng viên có ý thức và trách nhiệm phát huy tốt vai trò của bản thân mình trong việc bảo vệ, xây dựng Đảng ngày càng vẫn mạnh, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của đơn vị được giao.

Tin: Hoài Nam
Ảnh: Tổng hợp

Tin cùng chuyên mục

 
 
Loading the player...
 
Đà Nẵng, Việt Nam

 
 
 
Thời gian
Từ 7h30 đến 17h00 tất cả các ngày
Giá vé
60.000 đồng/người/01 lượt tham quan
Địa chỉ
số 02, đường 2 tháng 9, thành phố Đà Nẵng, Việt Nam
 
Lượt truy cập: 488,409 Hôm qua: 1,097 - Hôm nay: 404 Tuần trước: 3,494 - Tuần này: 1,501 Tháng trước: 52,385 - Tháng này: 32,791 Đang trực tuyến: 19