Đài thờ Mỹ Sơn E1 – Hội tụ tinh hoa điêu khắc Chămpa (phần 1)

Ngày đăng: 10/01/2023


Núi thiêng Mỹ Sơn, nhìn từ Trà Kiệu

Bảo vật này được phát hiện vào năm 1903, trong khối đổ nát của tháp E1 thuộc khu đền tháp Chămpa ở Mỹ Sơn, đem về Bảo tàng từ năm 1918. Khu đền tháp này nằm trong một thung lũng nhỏ, gần làng Mỹ Sơn, nay thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, được xây dựng từ khoảng thế kỷ 5 đến thế kỷ 13.

Từ tháng 3 năm 1903 đến tháng 2 năm 1904, Trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp đã tổ chức phát quang và nghiên cứu toàn bộ khu di tích tại Mỹ Sơn. Kết quả nghiên cứu đã được Henri Parmentier công bố trên tạp chí của Trường Viễn Đông Bác Cổ (Parmentier 1904). Ở tài liệu này, Parmentier đã thống kê cả thảy 69 công trình chính; ông chia thành 9 nhóm và 4 công trình lẻ, ghi ký hiệu và đánh số thứ tự thống kê gồm: Nhóm A: 13 công trình, ký hiệu A1 đến A13; Nhóm A’ có 4 công trình, ký hiệu A’1 đến A'4; Nhóm B: 14 công trình, ký hiệu B1 đến B14; Nhóm C: 7 công trình, ký hiệu C1 đến C7; Nhóm D: 6 công trình, ký hiệu D1 đến D6; Nhóm E: 9 công trình, ký hiệu E1 đến E9; Nhóm F: 3 công trình, ký hiệu F1 đến F3; Nhóm G: 5 công trình, ký hiệu G1 đến G5; Nhóm H: 4 công trình, ký hiệu H1 đến H4; 4 công trình riêng lẻ: ký hiệu K, L, M, N. Việc chia nhóm của Parmentier chủ yếu căn cứ theo dấu vết tường thành bao quanh từng nhóm hoặc chức năng sử dụng của các công trình; mặc dù có một số vị trí có thể đã nhầm lẫn, nhưng các ký hiệu nói trên đã được mọi người về sau sử dụng làm thành tên gọi của từng công trình trong khu đền tháp Mỹ Sơn.

Tháp Mỹ Sơn A1 vào đầu thế kỷ 20, nay đã sụp đổ hoàn toàn (EFEO)

Đài thờ còn lại trong lòng tháp Mỹ Sơn A1 ngày nay (thời điểm tác giả ghi lại trước 2013 - BBT)


Khu đền tháp Chămpa tại thung lũng Mỹ Sơn

Mặc dù đã bị hủy hoại nhiều qua thời gian, nhưng những gì còn lại tại Mỹ Sơn cho thấy đây là một khu đền tháp quan trọng bậc nhất của xứ sở Chămpa, là dấu tích của một nền văn hóa đặc thù đã phát triển trong bối cảnh giao lưu, tiếp xúc với các nền văn minh lớn trong khu vực trong suốt 1000 năm tại miền Trung Việt Nam. Khu di tích Mỹ Sơn đã được tổ chức Văn hóa, Khoa học, Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) đưa vào danh sách các Di sản văn hóa của thế giới từ năm 1999.

Đài thờ Mỹ Sơn E1 hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng gồm 14 khối đá được xếp lại thành một vành đai hình vuông, mỗi cạnh 271 cm, cao 65 cm. Mặt trước có bậc cấp ghép từ hai khối đá, chiều rộng của bậc cấp là 90 cm, chiều dài ra phía trước là 82 cm. Trên các khối đá có khắc ký tự Sanskrit 1.

Sơ đồ nhóm tháp E và F tại Mỹ Sơn (Parmentier 1904: 864)

Tấm bia dựng năm 658, còn lại bên cạnh vết tích đổ nát của tháp Mỹ Sơn E1

Vị trí các khối đá của đài thờ Mỹ Sơn E1 và bản dập ký tự Sankrit (Griffiths 2012: 452)

Bố cục và điêu khắc trên đài thờ mang tính biểu tượng rất cao. Trước hết, trang trí trên đài thờ mô phỏng các trang trí kiến trúc của một ngôi tháp. Mặt trước có bậc cấp, có chạm khắc hình các vòm cửa và trụ cửa thu nhỏ. Ba mặt còn lại, mỗi mặt có một vòm cửa như cửa giả của tháp. Ngoài ra còn có trang trí theo mô-típ các trụ áp tường. Bản thân một ngôi tháp Chăm Hindu giáo lại tượng trưng cho một ngọn núi, đỉnh núi là nơi ngự trị của thần linh; vị thần cao nhất ở đây là thần Siva, với biểu tượng Linga đặt ở giữa đài thờ2. Nhìn qua các lớp biểu tượng đó chúng ta sẽ nhận ra các cảnh chạm khắc quanh đài thờ là khung cảnh núi rừng, hang động, nơi các tu sĩ bà-la-môn tu tập, ẩn dật và hành đạo.

Bản vẽ phục dựng đài thờ Mỹ Sơn E1 (Parmentier 1904: 870)

Đài thờ Mỹ Sơn E1 đang trưng bày tại bảo tàng (mặt trước, tây)

Căn cứ các ký tự Sanskrit khắc ở mặt trên các khối đá, và đặt đài thờ hướng về phía Tây (theo hướng tháp E1), chúng ta xem xét các tiểu cảnh trong các ô lõm bắt đầu từ mặt bắc theo thứ tự các khối đá ka, kā, ki, kī3.

Ô số 1 thể hiện hai nhân vật. Một người có búi tóc cao, ngồi quay mặt nghiêng vào trong, tay phải đưa lên cao ngang mặt, như đang giảng giải. Người kia vóc dáng nhỏ hơn, đang ngồi quỳ, hai tay chắp lại trước ngực, điệu bộ kính cẩn. Có thể xem đây như một môn sinh đang học đạo, lần đầu tiên thỉnh giáo với một đạo sư. Ở ô số 2 là một người học đạo ngồi quỳ gối gập chân dưới mông, tay phải đưa lên ngang ngực, điệu bộ như đang lắng nghe lời giảng của đạo sư đang ngồi bên kia chiếc bàn có chân chéo. Đạo sư có dáng ngồi thoải mái hơn, tay trái chống lên đầu gối, tay phải đặt trên bàn. Ô số 3 khắc họa hai nhân vật đang cử hành nghi lễ tắm linga ở một bệ yoni-linga đặt dưới một bóng cây lớn. Đạo sư có râu dài, ngồi quỳ gối trước bệ yoni-linga, tay trái cầm một chiếc lọ nghiêng trên linga, như đang đổ rượu hoặc nước. Phía sau đạo sư là người phụ lễ, trẻ tuổi, không có râu, hai tay cầm lẵng hoa hoặc bó đuốc. 

Ô số 4 có hai nhân vật dưới một tán cây. Nhân vật chính là đạo sư có râu dài, búi tóc to, ở tư thế nằm nghiêng, tay trái chống vào mang tai, tay phải gập ngang trước ngực. Người học đạo được thể hiện với vóc dáng nhỏ hơn, ngồi ở phía chân của đạo sư, đang được đạo sư hướng dẫn thực hành phương pháp chữa bệnh bằng xoa bóp, một bộ môn y học phổ biến ở Ấn Độ xưa. Ô số 5 có ba nhân vật dưới hai tán cây lớn. Bên phải là một người học đạo ngồi gập lưng, tay phải chỉ xuống một vật mỏng đặt trên đất, có thể là kinh sách viết trên lá. Nhân vật ở giữa là đạo sư được thể hiện lớn hơn, ngồi ở tư thế thoải mái, lưng thẳng, tay trái chống lên đùi, tay phải đưa lên ngang ngực, bàn tay hướng về phía người đối diện, giảng giải kinh sách cho môn đệ của mình. Sau lưng đạo sư là một nhân vật quỳ gối, hai tay chắp ngang ngực, đang chăm chú lắng nghe. Ô số 6 khắc họa hình ảnh đạo sư sau khi đã xong công việc truyền dạy cho môn đệ, ngồi thư giãn dạo nhạc với cây đàn ôm trước ngực. Chúng ta cũng biết rằng, một tu sĩ bà-la- môn không chỉ có hiểu biết sâu sắc kinh Vệ-đà, thực hành nghi lễ, chữa bệnh, tu tập khổ hạnh mà còn học các môn nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc. 

Các ký tự tiếp theo ku, kū, ke thuộc các khối đá mặt trước của đài thờ thể hiện các nhân vật đang biểu diễn các loại nhạc cụ khác nhau, phối hợp với cảnh các vũ công đang múa trên bậc cấp tạo thành một dàn hợp xướng dâng tặng chư thần. Tính cân xứng và đường nét điêu khắc tinh tế, sống động ở đây đã khiến các nhà chuyên môn đánh giá bức chạm này là một kiệt tác nghệ thuật. (Xem tiếp phần 2)


Chú thích:

1. Khi mới phát hiện, H. Parmentier cũng đã biết đến các ký tự Sankrit này, nhưng ông có xếp nhầm trật tự một vài khối (BEFEO 4, 1904, tr 871-874). Sau này các chuyên gia về chữ Sanskrit đã đọc lại và giúp điều chỉnh vị trí các khối đá theo trật tự hiện nay (BEFEO số 30, 1930, tr 525; BEFEO số 95, 2008-2009, tr. 452).

2. Chiếc linga trên đài thờ này đã không được mang về Bảo tàng. Nhưng H. Parmentier cho biết có tìm thấy một linga lớn cùng các khối đá khác của đài thờ và đã phục dựng trên bản vẽ.

3. Bản vẽ các mặt đài thờ sử dụng theo H. Parmentier (1909). Ông là người đầu tiên miêu tả các nhân vật chạm khắc quanh đài thờ này, sau đó nhiều học giả bổ sung. Chúng tôi tổng hợp từ những người đi trước và có vài nhận xét riêng.

Tài liệu tham khảo:

- Parmentier Henri. Les monuments du cirque de Mï-Son. In: Bulletin de l'Ecole française d'Extrême-Orient. Tome 4, 1904. tr. 805-896

- Griffiths Arlo, Lepoutre Amandine, Southworth William A., Phần Thành. Études du corpus des - inscriptions du Campa III Épigraphie du Campa 2009-2010 : prospection sur le terrain, production d'estampages, supplément à l'inventaire. In: Bulletin de l'Ecole française d'Extrême-Orient. Tome 95-96, 2008. tr. 435-497.

- Stern, Philippe, L'art du Champa (ancien Annam) et son evolution Toulouse, 1942 

- Boisselier, Jean, La Statuaire du Champa: Recherches sur les cultes et l'iconograpghie. Paris: Publications de l'Ecole française d'Extrême-Orient, 1963

- Parmentier, Henri, Inventaire descriptif des monuments Cams de l'Annam. Paris: Leroux, 1909

- Trần Kỳ Phương, Nghiên cứu về ngôi đền Mỹ Sơn E1: Những luận chứng mới về sự tái sử dụng các bộ phận kiến trúc trong ngôi đền Ấn Độ giáo – Tìm hiểu sự tiến triển của kiến trúc đền tháp Chiêm Thành trong giai đoạn sớm thuộc thế kỷ 7 và thế kỷ 8, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển TP. Đà Nẵng, số 4/2008

Võ Văn Thắng

(Nội dung được trích dẫn từ sách “Bảo vật Quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng” của tác giả Võ Văn Thắng, NXB Đà Nẵng, 2013)



Tin cùng chuyên mục

 
 
Loading the player...
 
Đà Nẵng, Việt Nam

 
 
 
Thời gian
Từ 7h30 đến 17h00 tất cả các ngày
Giá vé
60.000 đồng/người/01 lượt tham quan
Địa chỉ
số 02, đường 2 tháng 9, thành phố Đà Nẵng, Việt Nam
 
Lượt truy cập: 575,394 Hôm qua: 487 - Hôm nay: 95 Tuần trước: 3,563 - Tuần này: 582 Tháng trước: 58,991 - Tháng này: 47,729 Đang trực tuyến: 19