.jpg)
Tiếp theo là mặt nam của đài thờ. Mặt này lẽ ra cũng có 6 ô lõm nhưng do hai khối đá đã bị thất lạc nên chỉ còn lại bốn ô trên các khối đá ke, ko, kam, kah. Cảnh miêu tả ở mặt này là đời sống khổ hạnh của người học đạo, tu tập trong các khu rừng và hang động. Ô số 7 tả một đạo sĩ ngồi giữa những tảng đá lớn, đang chuyện trò với một con chim trên cành cây trước mặt. Sau lưng ông là một con sóc đang leo trên thân cây. Ở ô số 8 một đạo sĩ ngồi dưới những tán cây lớn, đang chuyện trò với một con sóc và một con khỉ đang leo trên cành cây ở hai bên. Ô số 9 có khuôn hình vòng cung, là sự cách điệu một dạng hang động, nơi những người học đạo ẩn dật. Ô số 10 tả một đạo sĩ có bộ râu dài nằm tựa vào một phiến đá, tay phải kê sau đầu, tay trái tựa lên viên đá, hai chân bắt chéo.
.jpg)
Mặt phía đông gồm các khối đá kha, khā, hợp với hai khối đá góc kah và ka, tạo nên sáu ô lõm đối xứng nhau qua một vòm cửa giả ở giữa. Ô số 11 là một đạo sĩ nằm tựa vào phiến đá, tay cầm một chuỗi hạt, dấu hiệu của sự thông thuộc kinh điển. Hai đạo sĩ ở ô 12 đang ngồi bên một gốc cây lớn, một người thổi sáo, người kia đánh trống. Ô số 13 thể hiện hai nhân vật đang nhảy múa dưới vòm cây.
.jpg)
Ô số 14 thể hiện hai người ngồi đối diện. Một người ngồi dáng vẻ thoải mái; chân phải xếp bằng, chân trái co lên, tay phải chống lên bắp vế, tay trái gác trên đầu gối, bàn tay hướng lên trên. Người kia hai tay chắp trước ngực, dáng vẻ đang kính cẩn lắng nghe. Cảnh này rất tương đồng với cảnh ở ô số 1 trong dáng ngồi của một đạo sư và một học trò; ở cảnh 1, vị đạo sư quay mặt vào trong để tiếp nhận một môn sinh, ở cảnh này vị đạo sư nhìn ra phía trước như dặn dò và tiễn người học trò đã xong một quá trình tu tập để bắt đầu một chu kỳ mới. Ô 15 thể hiện vị đạo sư ngồi thanh thản dưới gốc cây, hướng mắt nhìn một con hổ to lớn đang dũng mãnh lao về phía trước; ô số 16 miêu tả một con lợn rừng trong tư thế té ngửa, điệu bộ rất tự nhiên như đang nhởn nhơ đùa nghịch.

Các chủ đề và cách thức điêu khắc phong phú trên Đài thờ Mỹ Sơn E1 đủ để khái quát thành các tiêu chí tiêu biểu của một phong cách nghệ thuật trong thời kỳ sớm của văn hóa Chămpa, là cơ sở để so sánh, đối chiếu khi nghiên cứu về sự phát triển nghệ thuật điêu khắc Chămpa trong quan hệ tiếp xúc, giao lưu với các nền nghệ thuật cùng thời kỳ tại Đông Nam Á. Cho đến nay, tất cả các nghiên cứu từ những góc độ khác nhau đều đi đến nhận định niên đại của đài thờ Mỹ Sơn E1 thuộc khoảng thế kỷ 7-8. Philippe Stern (1942) đánh giá đài thờ Mỹ Sơn là một kiệt tác nghệ thuật, sự xuất hiện của nó được xem như là một nền nghệ thuật Gupta - Ấn Độ hồi sinh. Jean Boisselier (1963) đã phân tích những dấu hiệu giao lưu, ảnh hưởng giữa phong cách điêu khắc trên đài thờ Mỹ Sơn E1 với phong cách Tiền-Angkor trong nghệ thuật Khmer. Trên cơ sở nhận định mô típ trang trí viền quanh trán đài thờ Mỹ Sơn E1 xuất hiện trong nghệ thuật Môn-Dvaravati-Thái Lan và nghệ thuật Khmer, Trần Kỳ Phương (2009) đưa ra giả thuyết về mối quan hệ giữa ba nền nghệ thuật thông qua sự giao thương bằng đường bộ và đường sông trên bán đảo Đông Dương vào thế kỷ 8.
Với chức năng là một bộ phận cốt lõi của một ngôi tháp Chămpa, là nơi ngự trị của thần linh tối cao, Đài thờ Mỹ Sơn E1 đã được các nghệ nhân Chămpa tạo dựng với tất cả tài năng và lòng thành kính. Từ bố cục tổng thể cho đến các chi tiết chạm khắc trên đài thờ đều ẩn chứa những thông điệp mang ý nghĩa tâm linh. Khi có dịp tĩnh lặng để nhìn ngắm và suy tưởng, chúng ta có thể thấy thấp thoáng trên mặt đá đã mòn mờ qua năm tháng của Đài thờ Mỹ Sơn E1 những niềm vui, nỗi buồn và lòng mong ước của một cộng đồng đã từng có mặt và để lại những giá trị sống động làm nên sắc màu văn hóa Việt Nam hôm nay.
Tài liệu tham khảo:
- Parmentier Henri. Les monuments du cirque de Mï-Son. In: Bulletin de l'Ecole française d'Extrême-Orient. Tome 4, 1904. tr. 805-896
- Griffiths Arlo, Lepoutre Amandine, Southworth William A., Phần Thành. Études du corpus des - inscriptions du Campa III Épigraphie du Campa 2009-2010 : prospection sur le terrain, production d'estampages, supplément à l'inventaire. In: Bulletin de l'Ecole française d'Extrême-Orient. Tome 95-96, 2008. tr. 435-497.
- Stern, Philippe, L'art du Champa (ancien Annam) et son evolution Toulouse, 1942
- Boisselier, Jean, La Statuaire du Champa: Recherches sur les cultes et l'iconograpghie. Paris: Publications de l'Ecole française d'Extrême-Orient, 1963
- Parmentier, Henri, Inventaire descriptif des monuments Cams de l'Annam. Paris: Leroux, 1909
- Trần Kỳ Phương, Nghiên cứu về ngôi đền Mỹ Sơn E1: Những luận chứng mới về sự tái sử dụng các bộ phận kiến trúc trong ngôi đền Ấn Độ giáo – Tìm hiểu sự tiến triển của kiến trúc đền tháp Chiêm Thành trong giai đoạn sớm thuộc thế kỷ 7 và thế kỷ 8, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển TP. Đà Nẵng, số 4/2008
Võ Văn Thắng
(Nội dung được trích dẫn từ sách “Bảo vật Quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng” của tác giả Võ Văn Thắng, NXB Đà Nẵng, 2013)