Tượng Ganesha. Số kiểm kê: BTC 5, cao 95cm. Ảnh: Paisarn Piammattawat, River Books
Theo thần thoại Ấn Độ, Ganesha là vị thần mang lại sự may mắn, có khả năng xoá bỏ những chướng ngại trong cuộc sống; tuy nhiên, thần cũng gây khó khăn cho những người không làm vừa lòng mình. Ganesha đồng thời là vị thần của sự thông thái, thần đã bẻ gãy chiếc ngà của mình để ghi lại bản trường ca nổi tiếng Mahabharata. Thần được các tín đồ Hindu giáo yêu mến và thờ cúng rộng rãi ở Ấn Độ và nhiều nước Đông Nam Á từ thời cổ đại. Champa, một vương quốc cổ từng toạ lạc ở miền Trung Việt Nam, đã để lại những di sản điêu khắc đá nổi tiếng mang đậm dấu ấn Hindu giáo, trong đó có pho tượng Ganesha ở tư thế đứng, được công nhận là bảo vật quốc gia vào ngày 31 tháng 12 năm 2020.
Trong đợt khai quật tại Mỹ Sơn năm 1903, nhà khảo cổ học Henri Parmentier và các cộng sự đã phát hiện pho tượng này tại tháp Mỹ Sơn E5. Tượng bằng sa thạch, thể hiện thần ở dạng đầu voi mình người, có chiếc bụng phệ, thân hình mập mạp, tạc ở tư thế đứng với chiều cao 96 cm. Thần chỉ có một chiếc ngà, trên trán có con mắt thứ ba. Thần đeo vòng cổ, vòng tay, dải hộ tâm và sợi dây rắn quấn ngang từ vai xuống bụng. Trang phục là một sampot ôm hai chân, vạt trước dài với nhiều nếp xếp, bên ngoài phủ một lớp da hổ quấn quanh hông có thể nhận biết qua chiếc đầu hổ nằm dưới thắt lưng. Sampot được giữ chặt ở phần hông bởi một thắt lưng to bản có khoá được trang trí hoa lá đối xứng nhau. Từ khi nhập về Bảo tàng Điêu khắc Chăm năm 1918, tượng chỉ còn lại một cánh tay trái bên dưới, cầm cái chén với chiếc vòi đặt vào trong.

Ảnh trái là tượng Ganesha được ông Charles Carpeaux chụp tại nơi khai quật, in trong sách “Missions archéologiques françaises au Vietnam, les monuments du Champa, photographies et itinéraires, 1902 et 1904”. Ảnh phải là bản vẽ tượng Ganesha đứng của Henri Parmentier in trong sách “Inventaire Descriptif des Monuments Čams de L'Annam: Tome I, Description des Monuments”
Theo ảnh chụp tại hiện trường khai quật của Charles Carpeaux và bản vẽ của Parmentier in trong sách Inventaire Descriptif des Monuments Čams de L'Annam: Tome I, Description des Monuments xuất bản năm 1909, tượng có bốn cánh tay, đứng trên một bệ yoni (hiện trưng bày trước tháp Mỹ Sơn E5). Tay phải phía trên của tượng cầm một chuỗi tràng hạt (aksamala) biểu tượng của việc tu tập khổ hạnh trong khi tay trái phía trên dường như cầm một chiếc rìu (parasu) tượng trưng cho việc xoá bỏ mọi dục vọng và ảo tưởng. Ở hai tay dưới, tay trái cầm cái chén và tay phải nắm một cây củ cải dại (mulakakanda). Chén kẹo (modaka) là vật dâng cúng được thần yêu thích, đồng thời tượng trưng cho phần thưởng của việc đi tìm giác ngộ về tinh thần. Đối với người Hindu cổ đại, Ganesha cũng là vị thần bảo vệ mùa màng, vì vậy cây củ cải là vật dâng cúng trong nghi lễ và trở thành vật cầm tay của thần Ganesha ở một số tác phẩm, thể hiện mối quan hệ giữa vị thần và nông nghiệp.

Ganesha ở hang Ravana Phadi, đền Aihole, Ấn Độ. Chất liệu: Sa thạch, thế kỉ 6. Nguồn ảnh: Sarah Welch, CC BY-SA 4.0 <https://creativecommons.org/licenses/by-sa/4.0>, Wikimedia Commons.
Hình tượng Ganesha xuất hiện trong điêu khắc Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ 5 sau công nguyên. Từ đó, những câu chuyện về Ganesha xuất hiện nhiều trong các kinh văn Purana. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng hình tượng vị thần đầu voi xuất hiện sớm hơn trên các đồng tiền Ấn Độ - Hy Lạp và các tác phẩm điêu khắc của vùng Mathura. Câu hỏi đặt ra là: tại sao lại là vị thần đầu voi mình người? Một số ý kiến cho rằng trước khi người Aryan di cư xuống miền đất Ấn Độ, các bộ lạc bản địa sống trong rừng đã có tập tục thờ thần voi để ngăn ngừa các đàn voi phá hoại mùa màng, đe doạ cuộc sống. Các nguồn tài liệu viết giai đoạn sớm cũng mô tả một hung thần đầu voi, tên Phạn ngữ là Vighna-asura, gây trở ngại cho các vị thần cũng như con người. Tín ngưỡng thờ thần voi theo thời gian đã đi vào điêu khắc và thần thoại, được nhân cách hoá thành vị thần có đầu voi mình người, con trai của thần Shiva và nữ thần Parvati, với nhiều dị bản chuyện kể khác nhau để lí giải về sự ra đời, hình dạng cùng những vật biểu trưng của thần. Nằm trong vùng ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ, các quốc gia Đông Nam Á cổ đại đã tiếp nhận hình tượng Ganesha từ rất sớm, như được thấy qua các tác phẩm điêu khắc thời kỳ tiền Angkor và Champa có niên đại vào thế kỷ thứ 7 sau công nguyên.

Ganesha. Số kiểm kê: BTLS.5929. Chất liệu: Sa thạch. Xuất xứ: Trà Kiệu – Quảng Nam. Niên đại: thế kỷ 7-8. Trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Lý Hoà Bình

Ganesha. Số kiểm kê: BTC 49. Chất liệu: Sa thạch. Xuất xứ: Trương Xá, Quảng Trị. Hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Ảnh: Lý Hoà Bình
Tượng Ganesha đứng của Champa được xác định niên đại vào khoảng thế kỷ 7–8 qua đối sánh với chi tiết trang phục và hoa văn thể hiện trên đài thờ Mỹ Sơn E1, tượng Vishnu tìm thấy ở Đa Nghi (Quảng Trị), và các hiện vật có cùng đặc điểm trong điêu khắc Ấn Độ - tiêu biểu là hai pho tượng Ganesha có niên đại thế kỷ 6–7 ở hang Ravana Phadi và làng Benisagar, được chạm khắc với tay phải cầm cây củ cải. Trong điêu khắc Champa, vật cầm tay này cũng xuất hiện trong một số tác phẩm khác thể hiện Ganesha ở dạng ngồi, niên đại thế kỷ 7–8, được phát hiện tại Cẩm Lệ (Đà Nẵng), Trương Xá (Quảng Trị) và tháp Mỹ Sơn F1 (Quảng Nam).
Đây là tác phẩm có kích thước lớn, độc đáo về mặt tiếu tượng học với đầy đủ các vật biểu trưng (dù hiện nay đã thất lạc) và là minh chứng sinh động cho sự du nhập từ rất sớm của hình tượng Ganesha vào Đông Nam Á nói chung và Champa nói riêng. Do tầm quan trọng của pho tượng trong văn hoá, tôn giáo của Champa và sự độc đáo, quí hiếm về mặt tiếu tượng học, tượng đã được chọn trưng bày ở nhiều triển lãm quốc tế như Trésors d’art du Vietnam, la sculpture du Champa tại Paris vào năm 2005–2006, và The Lost Kingdoms: Hindu-Buddhist Sculpture of early Southeast Asia tại New York năm 2014. Trên hết, tuyệt tác này xứng tầm là bảo vật quốc gia của Việt Nam, thu hút sự chú ý của nhiều du khách khi tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Tượng Ganesha giới thiệu tại trưng bày “Trésors d’art du Vietnam, la sculpture du Champa”, Bảo tàng Guimet, Paris. Ảnh: Bảo tàng Guimet.

Tổng thống Ấn Độ và phu nhân thăm Bảo tàng Điêu khắc Chăm và xem tượng Ganesha vào tháng 11/2018. Ảnh: Hoàng Vinh.
Nguyễn Hoàng Hương Duyên
Danh mục tài liệu tham khảo:
Brown, Robert L., ed. Ganesh: Studies of an Asian God. SUNY Series in Tantric Studies. Albany: State University of New York Press, 1991.
Gopinatha Rao, T. A. Elements of Hindu Iconography. Madras: Law Printing House, 1914.
Grewal, Royina. The Book of Ganesha. New Delhi: Viking, 2001.
Baptiste, Pierre, and Thierry Zéphir, eds. Trésors d’art Du Vietnam: La Sculpture Du Champa, Ve-XVe Siècles. Paris: Réunion des musées nationaux - Musée des arts asiatiques Guimet, 2005.
Trà̂n, Kỳ Phương, Văn Thắng Võ, and Peter D. Sharrock, eds. Vibrancy in Stone: Masterpieces of the Đà Nã̆ng Museum of Cham Sculpture. Bangkok, Thailand: River Books, 2018.
Guillon, Emmanuel. Cham Art: Treasures from the Da Nang Museum, Vietnam. Bangkok: River Books, 2001.
Guy, John. Lost Kingdoms: Hindu-Buddhist Sculpture of Early Southeast Asia. New Haven: Yale University Press, 2014.
Huỳnh, Thị Được. Điêu Khắc Chăm và Thần Thoại Ấn Độ. Đà Nẵng: Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2005.
Parmentier, Henri. Vựng tập Bảo tàng Chàm tỉnh Tourane (bản dịch)