.jpg)
Những năm qua, với thành tựu của khảo cổ học đã cho biết thành phố Đà Nẵng là một vùng đất cổ được con người khai phá và cư ngụ từ rất sớm, là nơi hội tụ, giao thoa của nhiều nền văn hoá khác nhau: Sa Huỳnh, Chăm, Việt và Hoa... Trong quá trình tụ cư, hình thành và phát triển của thành phố, cư dân Đà Nẵng qua các thời kỳ đã để lại nhiều di tích lịch sử - văn hóa có giá trị như di chỉ khảo cổ học Vườn đình Khuê Bắc (thời kỳ Văn hoá Sa Huỳnh tiền Chămpa), các phế tích kiến trúc đền tháp Chăm Phong Lệ, Quá Giáng, Hóa Quê (thế kỷ IX - XI), các văn bia cổ ở núi Ngũ Hành Sơn, ở chùa Long Thủ (thế kỷ XVII), cùng các di tích kiến trúc nghệ thuật như đình làng Bồ Bản, Túy Loan, Hải Châu, Thạc Gián..., là những bằng chứng vật chất sinh động của tiền nhân, trải qua bao thế hệ khai phá đất đai lập làng tụ cư và sinh tồn đã để lại, rồi đến các di tích lịch sử như thành Điện Hải; Nghĩa trủng Phước Ninh; Nghĩa trủng Hoà Vang..., là những di tích gắn liền với sự nghiệp đấu tranh của nhân dân Đà Nẵng trong buổi đầu kháng Pháp (1858). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một lần nữa, người dân Đà Nẵng lại viết nên những trang sử mới hào hùng với khu di tích căn cứ cách mạng K.20, khu di tích căn cứ huyện ủy Hòa Vang, di tích nhà Mẹ Nhu... Bên cạnh đó, bản sắc và truyền thống văn hoá của người Đà Nẵng còn được thể hiện qua những lễ hội dân gian truyền thống được lưu truyền từ đời này sang đời khác, hết sức phong phú và đa dạng như Lễ hội Cầu Ngư làng Mân Thái, Nam Ô, Thanh Khê; các Lễ hội đình làng Hoà Mỹ, Trung Nghĩa, Tuý Loan; Lễ rước Mục đồng làng Phong Lệ... Nhìn chung, mỗi di tích, mỗi lễ hội đều có giá trị lịch sử, văn hoá nhất định, đều gắn liền với lịch sử xây dựng và đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc, của địa phương, là tiềm năng cho việc phát triển du lịch văn hóa của thành phố Đà Nẵng hôm nay và mai sau.
Trong khoảng thời gian gần 38 năm làm việc, tôi may mắn được công tác trong ngành bảo tàng, từ khi còn làm việc ở Bảo tàng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, rồi Bảo tàng thành phố Đà Nẵng (sau khi tách tỉnh vào năm 1997), đến Trung tâm Quản lý Di sản văn hoá Đà Nẵng, trực tiếp đi sưu tầm, nghiên cứu lập hồ sơ các di tích... Trong những năm gắn bó với ngành, với công tác sưu tầm, nghiên cứu về di tích lịch sử - văn hoá, tôi đã xuất bản một số tác phẩm về di sản văn hoá Đà Nẵng như “Đình làng Đà Nẵng” (Nxb. Đà Nẵng - 2012), “Ngũ Hành Sơn - Di sản văn hoá và Danh thắng” (Nxb. Đà Nẵng - 2014), và “Di sản Hán Nôm tại Đà Nẵng” (Nxb. Đà Nẵng - 2015). Trên cơ sở các tài liệu, bài viết đã xuất bản, tôi cũng nghiên cứu thêm các hồ sơ di tích lưu giữ tại Trung tâm Quản lý Di sản văn hoá Đà Nẵng trước đây và Bảo tàng Đà Nẵng hiện nay để biên soạn cuốn sách “Đà Nẵng - Di tích và Danh thắng” gồm các di tích cấp quốc gia đặc biệt, các di tích cấp quốc gia và di tích cấp thành phố. Đây là những di tích tôi đã tham gia trực tiếp nghiên cứu và xây dựng hồ sơ, nay xin được giới thiệu cùng quý bạn đọc về những di tích lịch sử - văn hoá và danh thắng của Đà Nẵng…
(Trích Lời nói đầu của Tác giả)
Có thể xem Mục lục sách tại:
https://bit.ly/HoTanTuan-DaNang-Ditichvadanhthang-mucluc
***
Tìm hiểu thêm về tài liệu, vui lòng liên hệ:
Phòng Giáo dục và Truyền thông, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng
SĐT: (+84) 0236 3572 935
Email: gdtt-baotangcham@danang.gov.vn | lib.museumofchamsculpture@gmail.com